xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng trưởng 6%-6,5% là thách thức lớn

THẾ DŨNG - VĂN DUẨN

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ lưu ý tình trạng lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi, đẩy giá trong đấu giá đất đai để trục lợi; khẩn trương báo cáo kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống Covid-19

Sáng 23-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021.

Phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, bước vào năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết và chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, tăng trưởng kinh tế quý I/2022 đạt 5,03%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng 2,1%; kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Có 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 192.400 lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15-5, giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,27% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt trên 7,71 tỉ USD, tăng 7,8%. Đáng lưu ý, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Vành đai 3 TP HCM, đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.

Cùng với đó, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, nhất là tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng đen, tội phạm mạng...

Tuy vậy, trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, Chính phủ cho rằng việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%-6,5% là thách thức rất lớn. Để hoàn thành mục tiêu, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Phấn đấu đến cuối năm 2022, hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý IV/2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga sân bay Long Thành...

Tăng trưởng 6%-6,5% là thách thức lớn - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5%, cần tập trung kiểm soát dịch Covid-19 song song với phát triển kinh tế - xã hội bền vữngẢnh: NHẬT BẮC

Nhiều sai phạm về mua sắm thiết bị y tế

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời chuyển hướng từ chiến lược "phòng chống dịch Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19". Nhờ đó, Chính phủ hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc.

Ủy ban Kinh tế đánh giá bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Chẳng hạn, công tác phòng chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; năng lực y tế, nhất là y tế cơ sở, còn bất cập; trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; việc phân bổ, giao dự toán chi chậm, kéo dài. "Việc báo cáo Quốc hội kết quả huy động nguồn lực chống dịch nhằm chỉ rõ những chính sách chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ; các bộ, ngành, địa phương làm tốt hoặc chưa tốt" - đại diện cơ quan thẩm tra lưu ý và đề nghị khẩn trương báo cáo kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống Covid-19.

Tăng cường giám sát thị trường chứng khoán

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch. Số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỉ đồng, trong đó có 16.000 tỉ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia đều chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021, phải chuyển nguồn sang năm 2022. Bên cạnh đó, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn rất chậm, không hoàn thành mục tiêu. Thu từ cổ phần hóa thấp, chỉ đạt 4.402 tỉ đồng, bằng 11% dự toán, trong khi thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển mạnh là điều kiện thuận lợi để thoái vốn.

Ủy ban Kinh tế nêu thực tế thị trường cổ phiếu xuất hiện hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường. Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua xuất phát từ Luật Chứng khoán hay từ các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo khung thể chế hiệu lực, hiệu quả để phát triển bền vững thị trường chứng khoán.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị lưu ý tới vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi; tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; tình trạng ùn ứ phương tiện trong xuất - nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc. 

Chính sách chậm triển khai làm mất tính cấp thiết

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 đã được ban hành khẩn trương. Tuy nhiên, sau 4 tháng, nghị định quy định chi tiết biện pháp thi hành mới được ban hành. "Chính sách triển khai chậm phần nào làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn" - ông Vũ Hồng Thanh thẳng thắn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo