Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam ngày 9-5 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức.
Muốn nhưng không dám làm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam phải mua các dây chuyền công nghệ trong khi công nghệ nguồn còn rất ít. Do đó, trong tương lai gần, Việt Nam phải làm chủ được công nghệ bởi tiềm năng cho phát triển DN công nghệ rất lớn.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng công nghệ là lời giải cho các bài toán về phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động và nâng cao vị thế quốc gia. Việt Nam cần các khởi nghiệp công nghệ, bước đầu sử dụng công nghệ để phát triển giải pháp rồi từ đó tạo nên cuộc cách mạng công nghệ toàn dân. Những khởi nghiệp công nghệ nhỏ sẽ trở thành người khổng lồ.
Là DN 26 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, mong muốn nhận được những "cú hích" từ Chính phủ. "Chính phủ cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ DN công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới" - ông Chính nói và nhấn mạnh DN cũng cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng Giám đốc Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân mở đầu phần tham luận khi liệt kê các công ty công nghệ như Google, Facebook... và khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Viettel tự làm thiết bị mạng 5G hay trong mảng nội dung số có VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ, hệ thống phân phối nội dung và hàng chục công ty khác. Theo ông Tân, Việt Nam đang có rất đông lập trình viên giỏi làm việc ở nhiều công ty khác nhau nhưng sự hạn chế về chính sách, thuế, quy định chưa thật sự mở khiến nhiều công ty muốn làm nhưng không dám.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng trưng bày triển lãm công nghệ Ảnh: NGÔ NHUNG
Gỡ khó về chính sách
Chia sẻ với Báo Người Lao Động bên lề diễn đàn, ông Trần Quốc Dũng - CEO Ominext Group, một chuyên gia công nghệ lĩnh vực y tế - rất phấn khởi khi lần đầu tiên có một diễn đàn quốc gia dành riêng cho DN công nghệ. Ông Dũng cho biết đang gặp khó về vấn đề chính sách.
Sau 15 năm làm việc tại Nhật Bản, khi đưa công nghệ trở về nước, ông Trần Quốc Dũng không biết phải "gõ cửa" cơ quan nào để triển khai. "Vướng mắc lớn nhất có lẽ là chính sách, nhiều công nghệ mới ở nước bạn nhưng có được áp dụng ở Việt Nam hay không, nhất là trong lĩnh vực y tế sức khỏe như chúng tôi, còn liên quan đến dữ liệu bệnh nhân. Gần như chúng tôi gặp khó khăn khi không biết bắt đầu từ đâu, "gõ cửa" Bộ Y tế hay Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc một bộ phận nào đó" - ông Dũng nói.
Từ thực tế ấy, ông Trần Quốc Dũng kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng một cổng thông tin để tiếp nhận, giải đáp và hướng dẫn các bước cho DN công nghệ khi về thị trường Việt Nam. Đồng thời, các chính sách của Việt Nam cần linh hoạt hơn để bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm DN hội nhập và phát triển (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam), cũng mong muốn được Chính phủ hỗ trợ cụ thể hơn, đi sâu vào từng vấn đề để không dàn trải như hiện nay. Cần có hội đồng thẩm định chuyên sâu về các ý tưởng khởi nghiệp công nghệ, đánh giá ý tưởng đó có sát với thực tiễn hay không, có mang lại giá trị không để đầu tư phát triển. Đại diện các DN cũng nhấn mạnh đến yếu tố đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Be Group, nhận định chính sách, điều kiện kinh doanh áp dụng cho khởi nghiệp còn khá khắt khe, một số DN nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì Việt Nam không làm chủ được công nghệ. "Các DN cần chủ động đầu xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt và phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các DN nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống" - ông Hải nói.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ cùng các bộ liên quan sẽ sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các DN công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng cũng đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho DN phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đưa các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các DN hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và vấn đề đào tạo nhân lực, thu hút người tài.
Đầu tư nhiều hơn nữa
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam cần đầu tư cho chất lượng giáo dục và kỹ năng, đồng thời tạo hệ sinh thái công nghệ cho các start-up phát triển, đặc biệt cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ và đổi mới công nghệ.
Bình luận (0)