Chiều 6-5, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức họp báo giới thiệu Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 9-5 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại buổi họp báo
Với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường" và với khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam", Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức sẽ là một khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Diễn đàn là sự kiện hàng đầu đối với cộng đồng ứng dụng, chuyển giao nghiên cứu, phát triển công nghệ, là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Diễn đàn dự kiến thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự diễn đàn và phát biểu chỉ đạo.
Quang cảnh họp báo giới thiệu Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ
Các chủ đề sẽ được trình bày và tập trung thảo luận tại diễn đàn: (1) Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; (2) Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; (3) Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; (4) Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ.
Tính đến hết năm 2018, Việt Nam có 50.000 doanh nghiệp công nghệ, đặt mục tiêu sẽ đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ làm chủ và "Make in Vietnam" toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.
Bình luận (0)