Ngày 11-6, tại tỉnh Kon Tum, bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp du lịch đã cùng ngồi với nhau bàn giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên.
Nhiều tiềm năng
Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch như: cảnh quan dọc các sông Đắk Bla, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai…; hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng (Lâm Đồng), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai), các hồ thủy điện (Yaly, Đại Ninh...); hệ thống các thác nước như Dray Sap, Trinh Nữ, Diệu Linh... Đây cũng là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em nên rất đa dạng về bản sắc văn hóa. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nơi đây cũng có nhiều di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng.
Về hạ tầng giao thông, nhiều tuyến quốc lộ như 13, 14, 19, 20, 26… cũng như hệ thống 3 sân bay đã rút ngắn khoảng cách từ TP HCM và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên.
Với các thế mạnh kể trên, nhiều đại biểu đánh giá Tây Nguyên rất phù hợp với xu thế phát triển của du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết hiện nay, liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Để việc liên kết phát huy hiệu quả thì TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên phải có sản phẩm, thương hiệu chung. Song song đó, mỗi tỉnh Tây Nguyên phải có các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc riêng, tạo điểm nhấn, không trùng lặp với các tỉnh khác. "Trong bối cảnh du khách có nhiều sự lựa chọn thì phải lấy bản sắc, cái hiếm có của mình để phát triển, tạo sản phẩm để du khách chọn đến với mình" - ông Tài nhấn mạnh.
Ông Võ Anh Tài cũng cho rằng việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển trong du lịch nói chung và với vùng Tây Nguyên nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Phải cân nhắc giữa phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được hệ sinh thái, bảo vệ rừng, không gian văn hóa khu vực. Có như vậy mới thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.
Bà Phan Thị Thắng (đi đầu tiên) và đoàn công tác khảo sát tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai)
Để không còn "đi một lần cho biết"
Bà Trần Thị Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà, cho rằng hiện các đơn vị làm du lịch thiếu thông tin trầm trọng ở địa phương. Các tỉnh chưa có sản phẩm du lịch rõ ràng theo chủ đề. Trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần định hướng những sản phẩm theo chuyên đề, kết hợp với các công ty du lịch quảng bá sản phẩm.
Còn ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour, thẳng thắn chỉ rõ việc rất khó khăn tìm nguồn khách để đưa lên Tây Nguyên. Nhiều người chỉ đi Tây Nguyên một lần cho biết chứ không muốn quay lại. Nguyên nhân là do du lịch vùng này thiếu điểm đến hấp dẫn, những yếu tố bản sắc dần mai một trong khi khách du lịch đòi hỏi tính nguyên bản. Bên cạnh đó, do di chuyển nhiều, đường xa làm du khách mệt mỏi.
Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Exotic Việt Nam, nói mỗi lần trở lại Tây Nguyên là một lần buồn. Những sản phẩm du lịch của vùng đất này chủ yếu là du lịch khám phá. Tuy nhiên, các sản phẩm có tiếng từ trước nhưng "chết" rất nhanh. Nguyên nhân là không được bảo tồn, bị bê-tông hóa, thương mại hóa, khai thác một cách thô thiển. "Giờ tôi muốn thăm một khu tượng nhà mồ thì có không? Đến Đắk Lắk, Đà Lạt muốn thăm bản làng nguyên bản, có không? Không có. Như vậy, khách nước ngoài không bao giờ đến. Đến không có cái gì thì đến làm gì (?!)" - ông Phương nêu vấn đề.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng để du lịch Tây Nguyên phát triển và liên kết với TP HCM hiệu quả, thời gian tới, các tỉnh cần chung tay bảo tồn những giá trị sẵn có. Bên cạnh đó, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch như công viên rừng, công viên chuyên đề, làng du lịch, chợ đêm... cho du khách tham quan, mua sắm sản vật địa phương.
Bà Phan Thị Thắng mong muốn sau hội nghị, các tỉnh Tây Nguyên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ du khách cũng như nguồn nhân lực để tăng cường liên kết và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TP HCM đưa khách đến vùng đất này.
Thống nhất 4 nội dung
Sau hội nghị, 5 tỉnh Tây Nguyên và TP HCM thống nhất hợp tác phát triển du lịch tập trung vào 4 nội dung quan trọng.
Thứ nhất: Phối hợp triển khai các nội dung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch thông qua các chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị các tình huống trong quản lý du lịch.
Thứ hai: Tăng cường các hoạt động liên kết giữa các địa phương và hoạt động liên kết vùng để tạo nên các sản phẩm, chính sách chung nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp cho khách du lịch để trải nghiệm "Một hành trình - nhiều điểm đến".
Thứ ba: Phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông việc tái khởi động ngành du lịch với thông điệp: "Du lịch an toàn", "An toàn trong từng trải nghiệm". Tăng cường công tác quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ tư: Tổ chức lớp chuyên đề "Quản trị rủi ro và các giải pháp khắc phục rủi ro trong du lịch" nhằm nâng cao nhận thức và định hướng phát triển du lịch cho đội ngũ cán bộ ngành và doanh nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên...
Bình luận (0)