Ngày 4-1, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn Chính phủ - chủ trì họp báo của VPCP thông tin về Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong Nghị quyết 01, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển" với 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành và 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Chính phủ khẳng định năm 2021 tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
"Tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc-xin Covid-19 và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin sớm nhất" - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trong năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%... Chính phủ khẳng định các mục tiêu tăng trưởng sẽ không bị ảnh hưởng dù năm 2021 có sự chuyển giao nhiệm kỳ của Chính phủ.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, một giải pháp quan trọng khác mà Chính phủ tiếp tục triển khai là mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động toàn cầu, các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương đánh giá việc triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, kịp thời hỗ trợ DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa để khai thác và tận dụng các ưu đãi là một trong những động lực quan trọng để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021, tạo đà cho những năm tiếp theo. Theo phân tích của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, xuất khẩu sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng nằm trong "cỗ xe tam mã" mà Chính phủ đã xác định.
Trong năm 2021, Chính phủ sẽ triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừaẢnh: Minh Phong
Cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh trong năm 2021, Chính phủ sẽ tập trung chất lượng xây dựng thể chế, chính sách quan trọng để phát triển đất nước. Tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ đề ra thông điệp: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên.
Báo chí đặt vấn đề: Một số bộ, ngành cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng chưa thực chất, chủ yếu là báo cáo số lượng. Thừa nhận có tình trạng này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn, cải cách không thực chất tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau. Từ thực tế này, ông Mai Tiến Dũng cho hay Chính phủ đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và một số tổ chức khác để xây dựng công cụ đánh giá về cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Công cụ sẽ đưa ra kết quả trên cơ sở đánh giá sự hài lòng của người dân, DN.
Tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ xác định tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trên cơ sở đó, trong năm 2021, Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, ban hành chính sách thử nghiệm (Sandbox) các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh. Song song với đó là triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, chú trọng DN nhỏ và vừa.
Đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề ra, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh cần đẩy mạnh, đặc biệt cải cách mang tính nền tảng số, tạo điều kiện cho cộng đồng DN phục hồi và phát triển. Ông Cung góp ý thêm: Sau những tác động tiêu cực của đại dịch, Chính phủ cần ban hành các chính sách mang tính khuyến khích cho DN thay vì các chính sách hỗ trợ như hiện nay.
Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trước ngày 20-1 xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 01. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế để có các giải pháp kịp thời tận dụng thời cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực, thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.
Cẩn trọng về lộ trình mở cửa lại nền kinh tế
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Do đó, trong năm 2021, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt các chính sách giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao...; xác định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội.
Về lộ trình để mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết thời điểm hiện tại chưa đặt ra vấn đề này, bởi mục tiêu phòng chống dịch phải đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, còn nhiều yếu tố khó khăn, chưa lường hết được trước đại dịch toàn cầu này.
Bộ trưởng cũng lưu ý Việt Nam không đóng cửa nền kinh tế mà hoạt động có kiểm soát, xuất nhập khẩu vẫn hoạt động bình thường, một số chuyến bay thương mại đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động vẫn được triển khai. Tuy nhiên, không chủ quan, lơ là chống dịch.
Không giải ngân hết, sẽ bị trừ tiền
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 lập kỷ lục khi đạt hơn 82,8%. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn. Trong đó, trọng tâm là tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; một số công trình trọng điểm, giao thông liên vùng ở phía Bắc, nhất là ở vùng Tây Bắc... Bên cạnh đó, đầu tư giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành; mở rộng các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Chính phủ xác định phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL và các vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu; các dự án đường ven biển kết nối liên vùng là nhiệm vụ then chốt trong năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương thông tin từ đầu năm 2021, Luật Đầu tư công 2019 sẽ có hiệu lực, nếu số vốn đã bố trí cho bộ ngành, địa phương nhưng không giải ngân hết thì sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn. Đây là biện pháp quan trọng, đánh thẳng vào "túi tiền" để nâng cao trách nhiệm giải ngân. "Trước đây, khi làm kế hoạch thì bộ, ngành, địa phương nào cũng muốn làm sao càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng bây giờ, nhiều tiền mà không giải ngân được thì không những về mặt hành chính bị phê bình mà về kinh tế còn bị trừ tiền" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói thêm.
Bình luận (0)