Ngày 18-5, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.
Có khoảng 1.000 - 1.200 đô thị
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ Nghị quyết 06 là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Nghị quyết 06 đặt ra hàng loạt mục tiêu cụ thể như tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5%-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9%-2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Đến năm 2045, tỉ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Cùng với đó, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; xây dựng ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị Ảnh: THÀNH TRUNG
Theo ông Trần Tuấn Anh, để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết 06 đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị…
Theo đại diện Bộ Xây dựng, các địa phương cần đánh giá đúng tình hình phát triển đô thị của hệ thống đô thị toàn tỉnh, thành phố để đặt ra chỉ tiêu phù hợp với khả năng phát triển thực tế trong giai đoạn tới. "Việt Nam có dư địa lớn để phát triển đô thị khi tỉ lệ đô thị hóa mới khoảng 40%, trong khi tỉ lệ đô thị hóa trung bình của ASEAN là 46%" - đại diện Bộ Xây dựng nói.
Đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 06. Ông Võ Văn Thưởng cũng gợi mở một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết 06.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Đặc biệt cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 06 với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Một vấn đề quan trọng theo ông Võ Văn Thưởng là phải "đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị". "Bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển" - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Thưởng lưu ý phải tập trung, dồn nguồn lực vào hoàn thiện hệ thống pháp luật; ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả. Đồng thời, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của trung ương, phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
Cần cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng Nghị quyết đối với thành phố có ý nghĩa rất lớn, gợi mở và tháo gỡ nhiều vấn đề trong phát triển đô thị của thành phố cũng như mạng lưới đô thị cả nước. Nghị quyết có những điểm mới như cơ chế tài chính để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, đô thị; phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các ngành trong quy hoạch, quản lý và triển khai xây dựng đô thị, hạ tầng đô thị... Những điểm mới này rất thuận lợi cho thành phố. "Thành phố kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ hình thành các cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển đường sắt, đường thủy, kết nối vùng TP HCM. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị trung ương chỉ đạo sớm triển khai dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ để kết nối vùng TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long" - ông Phan Văn Mãi nói.
Q.Anh
Bình luận (0)