Chiều cuối tuần qua, đứng bên bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm lộng gió, bà Nguyễn Thị Năm (quận 6, TP HCM) nói với chúng tôi rằng bà không am tường các vấn đề thời sự nhưng thấy rất rõ Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Thành ủy TP HCM về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước" đã thổi "làn gió mới" vào giữa con kênh Tân Hóa - Lò Gốm vốn từng luôn ô nhiễm này.
Kiên trì biến điểm đen thành sáng
Theo bà Năm, các xóm dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm một thời được cho là "ổ chuột" với rác rến phủ kín mặt kênh, hôi thối nồng nặc. Khi người dân thấy con kênh làm kè, cải tạo ai cũng mừng. Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang bởi do nhiều người ý thức kém đã không ngần ngại đầu độc con kênh bằng rác thải các loại, nhiều nhất là rác thải xây dựng. "Khi có Chỉ thị 19, chính quyền vận động, người dân thấy rõ cái lợi nên hăng hái tham gia "trị" rác. Thế là chỉ sau 2 tháng người dân và chính quyền ra quân dọn dẹp đã "rình" bắt tận tay nhiều "rác tặc" để trả lại sự "bình yên" cho con kênh" - bà Năm kể. Theo bà, môi trường xung quanh kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn chảy qua quận 6) giờ đã trong lành. Vì vậy, chiều nào bà Năm cũng cùng các bạn già trong xóm ra tập thể dục, đi bộ dọc con kênh. "Gió lồng lộng không kèm mùi hôi như vầy, ai mà không thích ra hóng mát, tản bộ" - bà Năm phấn khởi.
Đường Tây Sơn (quận Tân Phú, TP HCM) từ chỗ chật hẹp, nhếch nhác trở nên khang trang, thông thoáng nhờ chính quyền vận động người dân hiến đất mở hẻm thành đường. Ảnh: LÊ PHONG
Cách xóm nhà bà Năm không xa là đại lộ Võ Văn Kiệt - con đường mà 2 năm trước trở thành nỗi ám ảnh của bao người vì bị rác tấn công, giờ đã trở lại đúng với danh xưng vốn có - con đường đẹp nhất, nhì TP. Ông Nguyễn Quốc Trí (57 tuổi; ngụ số nhà 17 Chu Văn An, quận 6) nhớ lại rác đã tấn công cầu bộ hành số 7 ở đại lộ Võ Văn Kiệt đến nỗi ngày đó cả xóm đều hãi. Dưới chân cầu, rác thải sinh hoạt bốc mùi hôi thối; trên cầu là rác của các hoạt động tệ nạn thải ra. Hồi đó, cứ gió thốc mạnh là mùi hôi thối bay nồng nặc. "Trước thực tế này, UBND phường 1, quận 6 đã kiên trì vận động người dân chung tay "trị" rác và hiệu quả đã lập tức trông thấy nhờ mô hình tổ tự quản mà ở đó người dân tham gia giám sát, ngăn chặn tình trạng xả và đổ trộm rác" - ông Trí thông tin. Đặc biệt, chỉ với "cú đấm" tổ tự quản là chưa đủ, UBND phường 1 đã liên tục thực hiện các đợt ra quân dọn dẹp hè phố, tổng vệ sinh môi trường. "Từ chỗ ô nhiễm, đoạn đại lộ Võ Văn Kiệt đi qua phường 1, quận 6 đã trở nên sạch đẹp, hoa mọc kín thảm cỏ. Chưa hết, giờ đây mỗi tháng người dân trong phường bỏ ra 1 đến 2 buổi để tổng vệ sinh đoạn đường. Những dịp như thế này còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm" - ông Trí khoe.
Chiều 11-10, thay vì 3 ông cháu chỉ luẩn quẩn trong nhà như trước đây thì ông Nguyễn Hữu Ba (ngụ khu phố 10, phường 11, quận Gò Vấp) lại dắt 2 cháu ngoại ra công viên sau nhà đánh cầu lông. Nhìn người lớn, trẻ con chơi đùa, tập thể dục náo nhiệt, ông Ba phấn khởi nói đây là thành quả từ sự cố gắng của người dân khu phố 10, là kết quả khi người dân hưởng ứng cùng chính quyền quyết tâm xóa bãi rác lưu cữu trước đó.
Ông Ba kể tháng 10-2018, khi biết chính quyền vận động người dân cùng chung tay cải tạo bãi rác thành nơi sinh hoạt cộng đồng, người dân khu phố 10 đã chủ động tranh thủ cứ 6 giờ sáng các ngày thứ bảy, chủ nhật là í ới gọi nhau dọn dẹp bãi rác. Nhiều người vốn chỉ quen việc văn phòng, làm kinh doanh… cũng hăng hái tham gia. Đến nay, bãi rác đã trở thành một công viên nhỏ có cây xanh rợp mát lối đi, sân cầu lông, ghế đá ngồi nghỉ chân và cả nhà vệ sinh công cộng. Không chỉ người lớn, mỗi buổi chiều, trẻ con đều thích ra đây vui chơi.
Tương tự, ở quận Gò Vấp, người dân khu phố 7, phường 15 còn đóng góp gần 400 triệu đồng làm kinh phí biến hơn 500 m2 đất vốn là bãi rác lâu năm thành công viên. Gia đình ông Đỗ Ngọc Lý (75 tuổi) tình nguyện hiến 112,5 m2 đất để làm đường dẫn vào công viên. Ông Đặng Công Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Gò Vấp - khẳng định kết quả này cho thấy ý nghĩa đúng đắn của một chủ trương thiết thực, hướng đến phục vụ nhân dân.
Kỳ tích mang tên Cô Giang và Tây Sơn
Đường Cô Giang (phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM) trước đây chỉ là con hẻm nhỏ chật chội, trong khi dân cư ngày càng đông đúc nên việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Ai cũng thấy bức bối nhưng khi được chính quyền vận động, không phải người nào cũng đồng tình ngay. "May nhờ chính quyền kiên trì vận động, nói rõ thiệt hơn mà hiện nay, chúng tôi mới sướng như vầy" - bà Nguyễn Thị Thể (78 tuổi) chia sẻ. Gia đình bà Thể là một trong những hộ đầu tiên xung phong hiến đất biến hẻm thành đường. Phong trào này có hơn chục năm trước ở địa phương và riêng tại đường Cô Giang, chính quyền kiên trì tổ chức các buổi họp dân phố, vận động nên sau đó người dân đều đồng tình cắt một phần diện tích nhà để mở rộng. Nhà bà Thể có bề ngang khoảng 6 m, dài 20 m và xây sát mép đường. Khi cắt đất trước nhà, gia đình bà phải tháo dỡ một phần và xây lại. "Rất phân vân, song được cán bộ chính quyền kiên trì vận động và để con hẻm thành đường rộng hơn vì lợi ích chung cũng như thuận tiện cho cả sinh hoạt, đi lại nên cả gia đình tôi đều đồng tình" - bà Thể nhớ lại.
Đi sâu vào đường Cô Giang, mặt tiền các căn nhà thẳng tắp sau khi bà con đồng loạt lùi khoảng 1,5-2 m, hiến đất để con hẻm biến thành đường.
Theo những hộ dân nơi đây, nhiều năm nay, sau khi hẻm được mở rộng thành đường, không chỉ sinh hoạt, đi lại tốt hơn mà đời sống, kinh doanh buôn bán cũng đổi thay từng ngày. Khu chợ ở cụm dân cư này ngày càng tấp nập, nhiều hộ dân hiện cho các tiểu thương thuê phần trước hoặc trực tiếp mở các quầy hàng, buôn bán nhộn nhịp. Nhiều điểm bán tạp hóa lớn, các cửa hàng điện tử, thời trang, salon tóc... cũng liên tục mọc lên nhờ con đường được mở rộng, nhu cầu mua bán cao.
Câu chuyện biến hẻm thành đường Tây Sơn ở quận Tân Phú cũng không kém hấp dẫn. Theo ông Nguyễn Sĩ Thành (74 tuổi, cán bộ hưu trí), ngày đó (cách đây hơn chục năm - NV) con hẻm này nhỏ và rất nhếch nhác. Thế nhưng, khi hay tin chính quyền có ý định chỉnh trang lại theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm thì không ít người e ngại. Lúc đó, cả xóm tổ chức 4 cuộc họp rất căng để rồi trước những lời vận động đầy thuyết phục của chính quyền, người dân đã đồng lòng hiến đất để biến hẻm thành đường.
Cũng theo ông Thành, ngày đó, toàn xóm có khoảng 90 hộ hiến đất, mỗi hộ hiến từ 15 đến 25 m2. Riêng ông Thành hiến 22 m2. "Giá trị đất lúc tôi hiến ước chừng 300 triệu đồng, nếu quy ra vàng thì gần 19 cây. Kể từ khi người dân hiến đất đến 4 tháng sau, con hẻm lầy lội trở thành đường nhựa thẳng bon, vỉa hè lát đá sạch sẽ" - ông Thành kể.
Hiện nay, giá đất ở đây đã lên đến 80 triệu đồng/m2, ước tính nếu thời điểm đó ông Thành không hiến thì nay có thể bán ra với giá hơn 1,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi so sánh điều này, ông Thành phủi tay ngay: "Đã hiến đất thì chẳng ai tính toán hay tiếc nuối gì. Mình hiến vừa giúp cho nhà nước đỡ gánh nặng bỏ tiền ngân sách ra bồi thường giải phóng mặt bằng. Mình hiến vì thấy cán bộ giải thích chí tình và bằng chứng là những lời vận động của cán bộ khi đó giờ đã ứng vào thực tế. Đó là đường sá khang trang, giá nhà tăng vùn vụt, đời sống theo đó khá hơn nhờ có nhà mặt tiền để mua bán hay cho thuê" - ông Thành nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-10
Cách làm hay của Bình Tân
Ông Lại Phú Cường, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân (TP HCM), cho biết nhiều năm trước, chỉ riêng việc dọn dẹp rác, địa phương tốn ngân sách rất lớn, bởi cứ dẹp xong hôm nay thì ít ngày tới lại hình thành bãi rác tự phát khác. "Giải pháp hiện nay là chúng tôi vận động và nhờ lực lượng cựu chiến binh cùng người dân tổ chức dọn rác nơi đang sinh sống. Đặc biệt, hễ phát hiện có khu đất trống là lập tức trồng hoa mười giờ, hoa chuông vàng..., với mục đích làm chùn tay những người "thích" đổ rác trộm. Với cách làm này, tình trạng đổ rác bừa bãi trên địa bàn quận Bình Tân đã giảm hơn 90% so với trước" - ông Lại Phú Cường thông tin.
Bình luận (0)