Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 19-CT/TU đã và đang từng bước đi vào đời sống, được người dân đồng tình ủng hộ, cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh và thực hiện nhiều công trình cải thiện vệ sinh môi trường. Đến nay, TP đã xóa được 797/824 điểm ô nhiễm rác thải (chiếm 96,7%). Trong đó, 142 điểm được chuyển hóa thành công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao… phục vụ người dân.
Thay đổi nhận thức về môi trường sống
Nhiều năm trước, bãi đất hoang rộng 1.831 m2 là bãi rác tự phát. Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước", địa phương đã quyết liệt vào cuộc, tuyên truyền, vận động người dân. Đến nay, nhờ sự chung sức, đồng lòng mà chính quyền và nhân dân khu phố 7, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú đã cải tạo được 400 m2 trong bãi đất hoang thành không gian xanh có điểm vui chơi cho thiếu nhi, khu vực dành cho người dân đến thư giãn, tập thể dục. Toàn bộ kinh phí cải tạo khoảng 450 triệu đồng do người dân đóng góp.
"Nếu ai từng thấy hình ảnh của khu đất trước đó toàn rác rưởi sẽ cảm nhận được ý nghĩa của công trình này. Nay công viên sạch đẹp vậy nên không ai nỡ vứt rác xuống" - chị Lê Thị Thu Hà (có nhà gần đó) nhìn nhận.
Bãi rác tự phát ở khu phố 7, phường 15, quận Gò Vấp, TP HCM nay đã thành công viên .Ảnh: Ý LINH
Đi tìm hiểu tư liệu để phục vụ bài viết, chúng tôi được anh Trần Hoàng Dũng - người dân địa phương - dẫn đến điểm sinh hoạt cộng đồng tại đường số 2, khu phố 7, phường Trường Thọ (quận Thủ Đức). Có thể thấy đây là địa điểm khá khang trang, sạch đẹp, mọi người có thể chơi bóng chuyền, cầu lông, tập thể dục... "Nơi này hồi trước là một bãi rác tự phát, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa ảnh hưởng mỹ quan khu phố. UBND phường Trường Thọ đã vận động các cá nhân, tổ chức trên địa bàn phường cùng chung tay xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Từ ngày có điểm sinh hoạt này, không còn xảy ra tình trạng đổ rác bừa bãi, người dân lại có nơi để vui chơi, tập thể dục" - anh Dũng khoe.
Còn tại hẻm 201 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, hưởng ứng Chỉ thị 19-CT/TU, để giữ vệ sinh chung, người dân đã tự trang bị thùng rác cỡ lớn, có nắp đậy đặt trước nhà, chuyển giao cho người thu gom đúng giờ quy định, hạn chế tình trạng rác vương vãi khắp nơi, cuốn vào cống rãnh làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, các hộ dân còn nhắc nhở nhau tham gia tổng vệ sinh con hẻm vào ngày cuối tuần. Đến nay, con hẻm 201 không chỉ sạch, đẹp hơn mà tình trạng ngập sau mưa cũng được cải thiện rõ rệt. "Chúng tôi dành 15 phút sáng cuối tuần tổng vệ sinh đường phố. Mỗi người ý thức một chút, giữ gìn một chút, môi trường sống sẽ sạch đẹp hơn" - bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (người dân địa phương) nói.
Quận Gò Vấp được xem là một trong những điểm sáng thực hiện thành công mô hình xóa điểm đen về rác. Bà Lâm Thị Hồng Phúc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Gò Vấp, nhận xét ý thức bảo vệ môi trường của mọi người đã được nâng lên thông qua các công trình. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rõ không xả rác bừa bãi là có lợi cho mình và mọi người. Nhiều người còn chủ động cùng tham gia, đóng góp kinh phí, vật chất, chung tay cải tạo, giữ gìn không gian sống. Đến nay, 16 phường của quận đã xóa được 17 điểm đen về rác, trong đó nhiều điểm trở thành vườn hoa, công viên có ghế đá, dụng cụ luyện tập thể dục, nhà vệ sinh công cộng… "Những kết quả này thể hiện sự hưởng ứng mạnh mẽ và những chuyển biến tích cực, rõ nét trong nhận thức, hành động của người dân về việc nâng cao chất lượng môi trường sống. Qua đó có thể thấy Chỉ thị 19-CT/TU là chủ trương hợp lòng dân nên đã thực sự đi vào đời sống của người dân" - bà Lâm Thị Hồng Phúc nói.
Vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể
Việc triển khai, thực hiện quyết liệt và đầy đủ các nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị 23-CT/TU cũng đã góp phần vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực, số vụ việc vi phạm được kéo giảm, số trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý ngăn chặn ngay từ đầu tăng, số trường hợp vi phạm mà người dân tự giác tháo dỡ công trình qua vận động tăng; một số xã, thị trấn đã kiểm soát được tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Điển hình, từ ngày 25-7-2019 đến 24-7-2020, huyện Bình Chánh đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm 60 trường hợp xây nhà không phép, sai phép. Từ ngày 25-7-2019 đến 20-8-2020, huyện đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 292 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, phân lô, bán nền, so với cùng kỳ năm trước giảm 227 trường hợp, chiếm 56,26%.
Tại quận 6, ông Huỳnh Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận, nhận định sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, tình hình vi phạm trật tự xây dựng giảm hơn 90% (mục tiêu ban đầu là 75%). Đây là kết quả khó tin nhưng có thật. Để làm tốt việc này, hằng tuần quận dành buổi họp yêu cầu các phường báo cáo số vụ vi phạm, số lượt kiểm tra các công trình và nhanh chóng có hướng giải quyết với trường hợp cố tình tiếp tục xây dựng, không chịu tháo dỡ. Để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, đến nay quận 6 đã hoàn thành việc phủ kín quy hoạch chi tiết trên địa bàn quận. Qua đó, mọi người nắm bắt được thông tin, hạn chế được tình trạng bị các đối tượng xấu lừa đảo; đồng thời, góp phần trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị một cách tốt hơn nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.
Tương tự, tại quận 12, theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận, số vụ vi phạm xây dựng không phép, sai phép giảm đến 80%, tất cả nhờ vào sự tham gia giám sát và phản ánh từ người dân thông qua ứng dụng phần mềm trực tuyến, Zalo, mạng xã hội Faceboook của quận. Từ đó đến nay đã ngăn chặn 97 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. "Bấy lâu nay các đối tượng môi giới, đầu nậu hết lừa dự án này đến dự án khác khiến không ít gia đình tán gia bại sản. Từ khi có Chỉ thị 23-CT/TU, công tác phối hợp giữ UBND quận và công an chặt chẽ hơn. Quận 12 đã chuyển cho công an 8 đối tượng môi giới để nhắc nhở, cảnh cáo nên đến nay các đối tượng này không còn lộng hành" - ông Nguyễn Văn Đức thông tin.
Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nếu trước đây, việc quản lý về trật tự xây dựng trên địa bàn TP gặp rất nhiều khó khăn thì nay toàn TP đã kéo giảm đến 75% số vụ vi phạm. "Chỉ cần các địa phương quyết liệt đẩy mạnh công tác này, sớm muộn sẽ chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Sở Xây dựng TP đã xây dựng phần mềm SXD247. Đây là kênh kết nối trực tiếp từ người dân đến các đơn vị. Việc giám sát và phản hồi từ người dân giúp công tác quản lý tốt hơn" - ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-9
Vẫn còn lo lắng
Ông Lê Hòa Bình thừa nhận hiện nay việc cưỡng chế công trình vi phạm còn gặp khó khăn vì việc áp dụng giải pháp ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước để ngăn chặn chủ đầu tư tiếp tục thi công quy định pháp luật vẫn chưa cho phép.
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6, ý thức chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng của một số cá nhân còn kém, không tự nguyện hợp tác với cơ quan chức năng. Mặt khác, lên phương án tháo dỡ công trình cũng còn nhiều khó khăn vì việc thẩm định, kinh phí tháo dỡ cao và tốn nhiều thời gian, trong khi ngân sách tạm ứng có hạn, cá nhân bị cưỡng chế không tự nguyện hoàn trả lại kinh phí.
Kiến nghị "phạt nguội" qua camera
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết Chỉ thị 19-CT/TU đã tác động tích cực tới ý thức và hành vi của người dân. Tuy nhiên, tình trạng xả rác ở nhiều nơi vẫn chưa kiểm soát được, một phần do các biện pháp chế tài chưa đủ răn đe.
Hiện nhiều địa phương đã tăng cường lắp đặt camera vừa giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông vừa kiểm soát các hành vi xả rác bừa bãi. Vì vậy, TP HCM cần nhanh chóng tháo gỡ một số vướng mắc về pháp lý trong quy định xử phạt hành chính hành vi xả rác qua camera để các địa phương có thể mạnh dạn "phạt nguội" các trường hợp vi phạm nhằm chấm dứt tình trạng trên.
Bình luận (0)