Thời gian qua, Quốc lộ 13, đoạn qua TP Thủ Đức nhiều thời điểm hàng ngàn ôtô, xe máy xếp hàng dày đặc, di chuyển "rùa bò", nhất là đoạn 1 km từ ngã tư Bình Triệu ngược về cầu Ông Dầu.
Quốc lộ 13 đang gặp khó vì nguồn vốn có hạn
Cửa ngõ chật hẹp
Thường xuyên chở hàng từ TP HCM đi các tỉnh Tây nguyên, tài xế Nguyễn Tấn Linh (38 tuổi, ở quận 12), cho hay một đoạn ngắn qua Quốc lộ 13 mà mất gần 30 phút bởi ùn tắc. "Nút thắt cổ chai tại cầu Đúc Nhỏ, cầu Ông Dầu, ngã tư Bình Triệu khiến chúng tôi chật vật" - ông ngán ngẩm nói và cho biết thêm qua được đoạn này, đến đoạn thuộc Bình Dương mới có thể thở phào vì thoáng hơn.
Nhiều năm trước, đoạn Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước dài 5 km là một thành phần của dự án cầu đường Bình Triệu 2, thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, khi đoạn Quốc lộ này tìm nguồn vốn để triển khai thì vướng Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó dừng dự án BOT trên các đường hiện hữu.
Do vậy, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố đề xuất mở rộng Quốc lộ 13 với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng bằng vốn ngân sách nhưng vì nguồn vốn hạn hẹp nên nhiều năm nay chưa thể triển khai.
Tương tự, nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố, đoạn Quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh, từ cầu Bình Điền đến giáp ranh Long An đang gặp trở ngại lớn khi nhu cầu kết nối giao thông giữa TP HCM với các tỉnh miền Tây tăng. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do không gian lưu thông hẹp, xe máy thường trộn dòng với xe tải, chỉ va quệt nhỏ cũng dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Còn ở cửa ngõ Tây Bắc, Quốc lộ 22 (đi qua huyện Hóc Môn), nơi đây đã quá chật chội. Lâu nay, khúc từ ngã tư Trung Chánh đến ngã tư Hóc Môn luôn ùn ứ, khói bụi ngột ngạt, bức bí vào những khung giờ cao điểm sáng và chiều.
Quốc lộ này là nơi tiếp giáp giữa TP HCM với tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và sẽ kết nối với tuyến Vành đai 3 tại nút giao cầu An Hạ (huyện Hóc Môn). Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, nếu không sớm mở rộng đoạn từ ngã tư An Sương đến điểm giao Vành đai 3) thì khi Vành đai 3 hoàn thành, tại đây sẽ là điểm nghẽn giao thông bởi lưu lượng phương tiện rất cao.
Quốc lộ 22 (đoạn qua huyện Hóc Môn) thường xuyên ùn ứ giờ cao điểm. Ảnh: THU HỒNG
Kỳ vọng từ 6 dự án
Hạ tầng giao thông TP HCM không chỉ bức bí tại các tuyến cửa ngõ mà nhiều trục xuyên tâm như đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Trỗi (kết nối ngoại thành Tây Bắc với các quận trung tâm), đường Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 50 (kết nối ngoại thành phía Tây với trung tâm thành phố), đường Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (kết nối huyện Nhà Bè, Cần Giờ với trung tâm thành phố)… thường xuyên quá tải nhiều năm nay. Việc di chuyển mỗi ngày trên những tuyến này trở thành "ác mộng" của không ít người dân ngoại thành làm việc tại các quận trung tâm bởi không có nhiều lựa chọn để di chuyển.
Trong bối cảnh ngân sách chỉ đáp ứng 20% nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông cho TP HCM, Sở GTVT TP HCM đề xuất cơ chế chính sách đặc thù theo hình thức BOT, BT để làm các dự án giao thông cấp bách sau nhiều năm chậm trễ vì thiếu vốn.
Có 6 dự án giao thông được đề xuất thực hiện theo hình thức BOT với nguồn vốn thu hút đầu tư gần 100.000 tỉ đồng. Cụ thể, dự án mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn An Lạc - giáp ranh Long An), dài 9,6 km từ 4 lên 8 làn xe; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 TP HCM) mở rộng từ 40 lên 60 m và xây 2 cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ và Nguyễn Văn Bứa; dự án mở rộng Quốc lộ 13 theo quy hoạch 40-60 m; dự án xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3 TP HCM dài 9,7 km. Hai dự án tiếp theo là đầu tư trục đường Bắc - Nam (đường Âu Cơ - KCN Hiệp Phước) dài 26,8 km theo quy hoạch 40-60 m; dự án đầu tư đường động lực (song song Quốc lộ 50) dài 5,8 km.
Những dự án được chọn kêu gọi đầu tư theo 2 hình thức BT, BOT đã được cân nhắc kỹ lưỡng, ưu tiên vì là những tuyến quốc lộ, đường kết nối liên vùng. Nếu hình thành không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TP HCM mà còn các tỉnh lân cận.
Hàng chục ngàn tỉ đồng chỉnh trang đô thị
Hằng ngày, qua cầu số 1 (đường số 10, phường Tân Kiểng, quận 7), bà Nguyễn Thanh Hòa ngao ngán vì mùi hôi thối bốc lên từ ao Song Tân. Lục bình, rác thải chen kín mặt nước. Từ trên nhìn xuống xung quanh, nhà cửa, công trình tràn ra mặt ao, dòng chảy bị nghẽn, nước tù đọng, đen kịt. "Khu vực ao Song Tân nếu được chỉnh trang, cải tạo sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng mỹ quan đô thị và nâng cao chất lượng sống cho người dân" - bà Hòa hy vọng.
Để góp phần thay đổi diện mạo đô thị, dự án ao Song Tân được dự kiến đầu tư 21.243 tỉ đồng. Ảnh: QUỐC ANH
Cách đó không xa, ven sông Ông Lớn (phường Tân Hưng) cũng dày đặc nhà cửa lụp xụp trồi ra, thụt vào. Rạch Bần Đôn (phường Bình Thuận) cũng xảy ra tình trạng nhiều đoạn bị san lấp, lấn chiếm nên rạch bị thu hẹp dần. Rác thải làm ô nhiễm dòng kênh, ảnh hưởng đến chất lượng sống người dân.
Trước thực trạng trên, UBND quận 7 đã trình 3 đề án về chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven và trên kênh rạch, tạo diện mạo mới cho khu vực và quận 7. Cụ thể, dự án ao Song Tân, quy mô di dời 770 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 21.243 tỉ đồng; dự án rạch Bần Đôn, quy mô di dời 659 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 13.100 tỉ đồng; dự án sông Ông Lớn, quy mô di dời 853 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 14.971 tỉ đồng.
Theo UBND quận 7, phạm vi thực hiện chủ yếu dọc sông kênh rạch, trong đó mở rộng biên giải tỏa một số nơi ngoài ranh hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch để cải tạo chỉnh trang đô thị đồng bộ. Đồng thời, đề xuất mở rộng ranh một số khu vực nhằm tạo quỹ đất khả thi mời gọi đầu tư xã hội hóa và tạo quỹ nhà tái định cư tại chỗ để chỉnh trang đô thị.
UBND quận 7 cũng đề xuất có cơ chế đặc thù bảo đảm bồi thường và tái định cư cho các hộ không đủ điều kiện. Cùng đó, có chính sách hỗ trợ người dân khi xem xét giải quyết việc mua hoặc thuê nhà ở xã hội để bảo đảm mọi người trong khu vực thực hiện dự án đều có nhà ở ổn định cuộc sống.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)