Hôm nay 4-1, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lên tiếng về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tập đoàn và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30-6-2015.
Trao đổi với báo chí, bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng Ban Thanh tra Pháp chế TKV, cho biết đến nay Thanh tra Chính phủ (TTCP) chưa tổ chức công bố kết luận thanh tra về tập đoàn. Theo bà Tuyết, số tiền được nêu trong kết luận của TTCP gần 15.000 tỉ đồng là "cần kiến nghị xử lý", chứ chưa kết luận là "sai phạm" đối với toàn bộ số tiền này.
"Trong số tiền này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã giao cho các bộ, ngành và TKV xử lý. Cụ thể, chuyển Bộ Công Thương chủ trì xử lý trên 8.320 tỉ đồng; TKV chủ trì xử lý gần 4.565 tỉ đồng; Bộ Tài chính chủ trì xử lý gần 124 tỉ đồng và kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 1.872 tỉ đồng"- bà Tuyết cho hay.
Khai thác than của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam - Ảnh: Đông Bắc
Theo đại diện TKV, TTCP kiến nghị tăng thu thuế tài nguyên là không có cơ sở do xác định không đúng đối tượng nộp thuế và giá tính thuế. TKV đã kê khai và nộp thuế tài nguyên theo đúng Luật Thuế tài nguyên và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, đề xuất xử lý. Bộ Tài chính các công văn gửi TTCP nêu rõ cách xác định thuế tài nguyên của TKV phù hợp quy định.
Đối vơi số tiền 273,011 tỉ đồng còn lại bao gồm tiền thuế chưa đến hạn nộp và một số khoản khác, theo bà Tuyết, TKV đang tiếp tục báo cáo giải trình và sẽ thực hiện khi có quyết định truy thu của TTCP theo quy trình xử lý kết luận thanh tra.
Đại diện TKV cho biết, sau khi có kết luận thanh tra, Ban Thường vụ Đảng uỷ TKV đã ban hành nghị quyết về việc thực hiện kết luận thanh tra; giao tổng giám đốc TKV chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung và báo cáo giải trình những vấn đề chưa đồng thuận, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Đối với những kiến nghị của TTCP có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tiễn nêu trong kết luận, tập thể hội đồng thành viên, ban lãnh đạo TKV đã nghiêm túc nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các nội dung chưa đồng thuận trong kết luận thanh tra, TKV đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, có ý kiến về kết luận thanh tra của TTCP. Hiện nay các bộ đang xử lý theo thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã đưa tin, quá trình thanh tra, TTCP phát hiện hoạt động đầu tư tài chính đến cuối năm 2014, tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của công ty mẹ - TKV khoảng 13.600 tỉ đồng. Hội đồng thành viên và tổng giám đốc TKV chủ trương quản lý đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền. Hậu quả là một số khoản đầu tư thua lỗ, mất vốn với giá trị lớn. Điển hình như Công ty Liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái lỗ gần 300 tỉ đồng, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên gần 25 tỉ đồng. Còn TKV góp 870 tỉ đồng tại mỏ sắt Thạch Khê thiếu khảo sát, tính toán kỹ và các điều kiện cần thiết dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí.
Khoản đầu tư của TKV vào Công ty CP Crommit Cổ Định Thanh Hóa (VTCC) cũng thua lỗ. Đơn vị này đã góp vốn, giải ngân xấp xỉ 437 tỉ đồng để đầu tư 2 dự án nhưng phải dừng hoạt động từ năm 2014 dẫn đến toàn bộ vốn đầu tư không hiệu quả, lỗ lũy kế từ 2012-2015 vào khoảng 113 tỉ đồng.
Qua thanh tra, TTCP còn phát hiện tại các dự án ở Lào, Campuchia, do KTV không làm kỹ khâu khảo sát để lập, thẩm định, phê duyệt phương án đầu tư và quyết định đầu tư không phù hợp dẫn đến việc lỗ, mất vốn 380 tỉ đồng.
Việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của TKV cũng để xảy ra thất thoát hàng trăm tỉ đồng. Chẳng hạn, Công ty CP Vận tải thủy liên tục thua lỗ nhưng HĐQT TKV vẫn quyết định cho công ty đầu tư 2 tàu, đồng thời sử dụng quỹ đầu tư phát triển để cho đơn vị này vay 356 tỉ đồng trả nợ sai mục đích, không lãi suất, không đúng thẩm quyền. Đến giữa năm 2015, tổng tài sản của Công ty CP Vận tải thủy là 119 tỉ đồng nhưng tổng nợ phải trả lên tới 79,4 tỉ đồng, lỗ lũy kế khoảng 65 tỉ đồng, mất hết vốn và nợ vay khác 60 tỉ đồng (trong đó nợ TKV 49 tỉ đồng) không còn khả năng thanh toán.
Khoản đầu tư tại Công ty Đóng tàu Sông Ninh, Công ty Đầu tư phát triển Khu Kinh tế Hải Hà cũng bị mất vốn, đồng thời không có khả năng thu hồi khoản nợ gần 53 tỉ đồng.
Về khắc phục hậu quả, TTCP kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền gần 15.000 tỉ đồng và 6,7 triệu m2 nhà đất. Trong đó, TKV chủ trì xem xét, xử lý theo thẩm quyền 4.564 tỉ đồng.
Bình luận (0)