Chiều 13-10, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương". Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì hội thảo.
Triển khai chương trình phục hồi kinh tế
Đánh giá tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết Việt Nam phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc khắc phục và giảm thiểu đứt gãy liên kết là vấn đề quan trọng để nền kinh tế không bị lỡ nhịp phát triển.
Mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này là cần đưa người lao động trở lại nhà máy, đưa hàng xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đưa hàng hóa và nông sản đến tay người tiêu dùng trong nước, phục hồi các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, các giải pháp đề ra cần bảo đảm tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành ở trung ương, giữa trung ương với địa phương, giữa các địa phương; giữa doanh nghiệp (DN), người lao động, người dân và chính quyền các cấp.
Tại hội thảo, trình bày về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh chương trình tiếp cận cả về phía cung, phía cầu và các khâu kết nối; bao gồm các giải pháp về y tế, kinh tế - xã hội để hỗ trợ DN, người dân, người lao động sớm vượt qua khó khăn và phục hồi sau đại dịch.
Chương trình phục hồi phát triển kinh tế dự kiến bao gồm 6 chương trình thành phần và 2 nhóm giải pháp về quản trị rủi ro, thông tin và truyền thông.
Chương trình tổng thể về phòng chống Covid-19 và thúc đẩy mở cửa nền kinh tế trọng tâm là "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19", mở cửa nền kinh tế chắc chắn, ổn định và an toàn; sẵn sàng các kịch bản, phương án và nguồn lực để ứng phó với diễn biến dịch bệnh. Cùng với đó là ban hành các hướng dẫn và thực hiện thống nhất việc di chuyển, lao động, sản xuất, cung ứng, tiêu dùng cho người dân, người lao động đã tiêm vắc-xin; quy định phòng chống dịch khi có thuốc đặc trị Covid-19.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nêu rõ các chương trình tiếp theo là chương trình phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững; chương trình phục hồi DN; chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực đầu tư xã hội; chương trình hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động; chương trình cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: MINH PHONG
Bảo đảm an sinh xã hội
Phát biểu kết luận hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ KH-ĐT tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, đơn vị để sớm hoàn thành dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 và báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến để hoàn thiện và tiếp tục lấy ý kiến tham vấn.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với tình hình dịch Covid-19 là hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 là vấn đề mang tính toàn cầu. Vì vậy, cần thiết sớm phục hồi, phát triển kinh tế khi nền kinh tế đang bị tổn thương do dịch bệnh. Trước tình trạng một số địa phương vẫn còn xảy ra các ca nhiễm mới cũng như tử vong, Thủ tướng lưu ý các địa phương cần chủ động thực hiện chuyển hướng từ chiến lược "không Covid-19" sang chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương cần sớm khôi phục hoạt động của DN, trong đó tập trung khôi phục lại thị trường lao động sau một thời gian dài giãn cách. Bên cạnh đó, giảm chi phí đầu vào cho DN, mở rộng thị trường cho DN để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại để thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu.
Liên quan tới việc bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh tới việc triển khai việc tiêm vắc-xin miễn phí cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng. Chính phủ đánh giá cao sự hỗ trợ, chung tay của DN trong việc ủng hộ quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu việc thực hiện an sinh xã hội có trọng tâm, trọng điểm, lo cả vật chất và tinh thần, không để sót các đối tượng cần được hỗ trợ.
Bình luận (0)