Sau khi từng bước khống chế được dịch Covid-19, lãnh đạo các địa phương phía Nam nhanh chóng thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, vừa đề nghị Sở Công Thương đẩy nhanh việc thẩm định phương án sản xuất - kinh doanh, dịch vụ an toàn của các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh để thực hiện thống nhất trên địa bàn thành phố.
Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết đã có hướng dẫn tạm thời phương án sản xuất cho các DN từ nay đến cuối năm. Các DN thuộc các lĩnh vực sau được ưu tiên mở cửa, gồm: Y tế, chế biến thủy - hải sản, sản phẩm chế biến từ nông sản, lương thực - thực phẩm, nước giải khát; phân bón, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí - chế tạo; in ấn, bao bì, may mặc, thuộc da; lĩnh vực khác có mặt hàng, đơn hàng xuất khẩu... Điều kiện để hoạt động là DN đã thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, bố trí khu vực cách ly tạm thời người nghi nhiễm và người tiếp xúc gần. Khi phát hiện ca nghi nhiễm, DN tạm dừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (F0, F1) mà không cần phải dừng toàn bộ nhà máy, cơ sở sản xuất.
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết đã ban hành kế hoạch kết nối liên kết vùng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm không làm ùn ứ giao thông sau khi "bình thường mới" được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (đến ngày 31-10) phải tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch Covid-19 gắn với an toàn phòng chống dịch; bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, hộ kinh doanh phục hồi, hoạt động trở lại; thực hiện công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; bảo đảm việc đi lại của nhân dân thông suốt, thuận lợi và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Kiểm tra xe tải chở hàng hóa tại chốt kiểm dịch ở phường Hưng Phú (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) Ảnh: CA LINH
Giai đoạn 2 (từ ngày 1-11 đến cuối năm 2021), tỉnh chuyển từ "nguy cơ" sang "bình thường mới". Ở giai đoạn này, phải tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất - kinh doanh gắn với chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất - kinh doanh; tập trung khơi thông vốn đầu tư sản xuất.
UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất mở cửa đưa tỉnh về trạng thái bình thường mới sau ngày 1-10 với phương châm "an toàn tới đâu mở cửa tới đó", "mở cửa phải an toàn". Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng sẽ làm việc với các tỉnh, thành khác để thống nhất phương án lưu thông liên tỉnh, đồng thời công bố mở cửa trong phạm vi liên huyện, thị xã, thành phố trong địa bàn quản lý. Đặc biệt từ ngày 1-10, người dân ra đường sẽ được quản lý bằng mã QR để kiểm soát dịch bệnh. Do đó, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các ngành có liên quan tổ chức lực lượng hướng dẫn DN, người dân, công nhân - lao động thiết lập và sử dụng mã QR để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, hướng dẫn các địa phương trang bị máy quét mã QR để chuẩn bị cho các hoạt động sau ngày 30-9.
Còn tại tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng để DN "sống chung với Covid-19" thì phải đầu tư nhà máy chế biến ở nhiều nơi, thậm chí ở nhiều tỉnh khác nhau để tránh rủi ro. Dịch bệnh không thể nào bùng phát cùng một lúc ở nhiều tỉnh khác nhau nên DN có thể tận dụng "vùng xanh" để hoạt động tối đa công suất, bù đắp lại những nơi đã bị phong tỏa.
Hiện tỉnh An Giang cũng đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế với nhiều kịch bản linh hoạt để ứng phó tình hình dịch bệnh ở mức nghiêm trọng, có thể kiểm soát được cho đến trạng thái bình thường mới. "Với mỗi kịch bản như thế thì chúng tôi có các giải pháp phù hợp để giúp các DN từng bước phục hồi sản xuất" - ông Thư khẳng định.
Phải tuân thủ "1 cung đường, 2 điểm đến"
Trong phương án được Sở Giao thông Vận tải TP HCM lấy ý kiến, việc vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia từ các tỉnh đến TP HCM phải tuân thủ quy tắc "1 cung đường, 2 điểm đến", xe không dừng, đỗ dọc đường và kèm một số điều kiện như tài xế đã tiêm vắc-xin, có giấy xét nghiệm âm tính...
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, các phương tiện vận tải đến và lưu thông qua TP HCM phải có mã QR. Nếu chỉ quá cảnh qua thành phố không được dừng, đỗ; vận chuyển hàng hóa đi / đến thành phố phải tập trung tại các đầu mối, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa được phép hoạt động. Riêng hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia: Các DN tổ chức đưa đón từ các tỉnh, thành phố đến TP HCM; được tiêm vắc-xin mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. DN xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối (Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp; Khu Công nghệ cao, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, các hiệp hội).
T.Hồng
Bình luận (0)