Ngày 8-4, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa có văn bản chỉ đạo về việc hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ vay cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khi nợ xấu tăng.
Tiền đâu trả ngân hàng?
Trong 3 tháng qua, trong số 7 tàu khai thác cá ngừ đại dương khơi xa của Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) thường xuyên có đến 5 tàu nằm bờ.
"Giá cá ngừ đại dương hiện chỉ 87.000 đồng/kg, giảm hơn 30.000 đồng/kg. Nghiệp đoàn 30 tàu mà mỗi lần vào cảng chỉ 5-15 con cá, chỉ 3 tàu được 40 con cá nên đa số thua lỗ. Riêng tôi, ngày 15-4 phải ra tòa vì ngân hàng kiện không trả tiền cho chiếc tàu mà tôi vay vốn để đóng. Ngân hàng kêu trả 150 triệu đồng mà nói thật chuyến thứ nhất lỗ 85 triệu đồng, chuyến vừa rồi lỗ 30 triệu đồng thì tiền đâu mà trả" - ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng, giọng buồn buồn nói. Ông Phúc cho biết thêm là dù giá dầu hiện nay hạ thấp, nhiều người cũng đang như ông, bị ngân hàng "hăm he" thu tàu, khởi kiện.
"Ngân hàng muốn thu thì để họ thu chứ biết làm sao. Sắm con tàu ra kiếm sống, nuôi gia đình nhưng lâm vào cảnh như lúc này thì không biết xoay xở sao" - ông Phúc than thở.
Hiện nay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 31 tàu cá, gồm 28 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp (gọi tắt là tàu cá 67) với số vốn đã giải ngân trên 288 tỉ đồng nhưng hiện chỉ mới thu nợ gốc hơn 29 tỉ đồng, dư nợ hơn 259 tỉ đồng. Trong đó, nợ xấu trên 102 tỉ đồng.
Tại tỉnh Bình Thuận, ông Lê Văn Hà là một trong 11 chủ tàu tham gia đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 tại phường Phú Hài (TP Phan Thiết) hành nghề mành chụp và cũng đang rơi vào cảnh khó khăn. Tàu 800 CV, trị giá hơn 14 tỉ đồng nhưng liên tục thua lỗ trong những chuyến ra khơi nên chẳng có tiền để trả nợ ngân hàng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận, trong số 114 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, chỉ 40 tàu có lãi, còn lại là huề vốn và thua lỗ.
Xuất khẩu khó khăn, giá hải sản hạ khiến nhiều tàu cá của ngư dân Khánh Hòa phải nằm bờ. Ảnh: KỲ NAM
Kiểu gì cũng khó
Theo ông Đỗ Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bình Thuận, hiện tỉnh này có 28 trường hợp chủ tàu không trả được nợ đến hạn phân kỳ gốc, lãi với tổng dư nợ hơn 22 tỉ đồng và đã được đề nghị cơ cấu lại nợ. Trong đó, có 5 khoản vay chuyển qua nợ xấu với tổng dư nợ hơn 17,6 tỉ đồng. Nguyên nhân phát sinh các khoản vay không trả được chủ yếu do hoạt động không hiệu quả.
"Đối với các tàu cá đang hoạt động có hiệu quả thấp nhưng có phương án khắc phục, chủ tàu cá hợp tác với ngân hàng thì ngân hàng và chủ tàu sẽ thỏa thuận, cơ cấu lại nợ" - ông Dũng nói.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết sở này đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, cơ cấu lại nợ vay nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 và không bị chuyển nhóm nợ đối với những chủ tàu cá thật sự khó khăn. Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng có chủ trương cho phép chủ tàu đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 được tự bỏ kinh phí đầu tư chuyển đổi sang nghề khác có hiệu quả hơn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, vì chưa có ý kiến của các bộ, ngành trung ương.
Theo văn bản của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ thu hồi nợ ngân hàng, đối với các chủ tàu 67, để giúp các ngân hàng thương mại hạn chế rủi ro phát sinh, các sở - ngành liên quan cần nắm được thông tin về các nguồn thu, nguồn hỗ trợ hợp pháp của chủ tàu để có biện pháp thu hồi nợ phù hợp; chủ động rà soát, phân loại các trường hợp chưa hoặc không trả nợ theo hợp đồng đã ký kết để có giải pháp xử lý cụ thể đối với những trường hợp chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ì; chỉ đạo các cơ quan thi hành án và các đơn vị liên quan hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu giữ, quản lý, đẩy nhanh tiến độ thi hành án và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay.
Trong khi đó, theo các nghiệp đoàn nghề cá, điều quan trọng trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp, xuất khẩu hải sản khó khăn là Chính phủ cần có một gói hỗ trợ phù hợp cho ngư dân đóng, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, mới mong không vỡ nợ.
Thu hồi tàu cá cũng khó
Ông Đỗ Trọng Thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, cho biết trước tình hình nợ xấu từ các khoản vay của tàu đóng theo Nghị định 67, hiện chi nhánh đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với ngư dân để phối hợp, hỗ trợ ngân hàng trong việc thu hồi nợ. Tuy nhiên, ngư dân vẫn không trả được. "Hiện nay, các ngân hàng đã khởi kiện 9 chủ tàu nhưng tòa án đang xem xét hòa giải nên chưa xử được vụ nào. Mà bây giờ có thu tàu thì cũng rất khó, vì giá trị định giá thấp hơn giá trị vay. Nếu đấu giá, chuyển cho người mới thì các ngân hàng chắc chắn không thu được đúng số tiền đã giải ngân" - ông Thảo cho biết.
Bình luận (0)