xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tàu cá nằm bờ hàng loạt

NHÓM PHÓNG VIÊN

Hiện số tàu cá phải ngừng hoạt động đã lên đến 40%-55% do xăng dầu tăng giá, số tàu không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết vừa ký văn bản gửi các bộ: Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị tham mưu cho Chính phủ có chính sách an sinh hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu cao.

Chi phí đầu vào tăng 35%-48%

Theo văn bản này, từ tháng 12-2021 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân, trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản.

Hiện số tàu cá phải ngừng hoạt động đã lên đến 40%-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê..., làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết hiện cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, nhu cầu xăng dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S - nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản - đã tăng 60,5% (ngày 25-12-2021 là 17.579 đồng/lít, đến ngày 20-6-2022 là 29.020 đồng/lít). Như vậy, chi phí nhiên liệu cho hoạt động khai thác thủy sản tăng thêm khoảng 3.776 tỉ đồng/tháng.

Chi phí nhiên liệu thường chiếm 45%-60% tổng chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá, tùy nghề. Nhiên liệu tăng khiến giá các mặt hàng phục vụ hoạt động khai thác thủy sản cũng tăng khoảng 10%-15%, kéo chi phí đầu vào tăng 35%-48%, trong khi giá bán hải sản tăng không đáng kể.

Theo Bộ NN-PTNT, số tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. Tình trạng này cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết Hội Nghề cá đang gấp rút xây dựng văn bản để gửi cấp có thẩm quyền xem xét có chính sách hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, thay vì chỉ đề xuất hỗ trợ thuyền viên thì nên đề xuất Chính phủ hỗ trợ chủ tàu, kể cả tàu đang nằm bờ và tàu đang hoạt động, để họ tiếp tục đi sản xuất trên biển. Mục tiêu chính sách phải làm sao hỗ trợ để ngư dân tiếp tục vươn khơi sản xuất được - tức là hỗ trợ đầu vào (trong đó có chi phí xăng dầu) mới quan trọng.

Tàu cá nằm bờ hàng loạt - Ảnh 1.

Tàu thuyền nằm bờ tại cảng cá Phan Thiết ngày một nhiềuẢnh: Châu Tỉnh

Giảm tần suất khai thác

Tỉnh Quảng Bình có hơn 6.790 tàu thuyền, trong đó hơn 1.200 tàu dài từ 15 m trở lên. Giá xăng dầu cao khiến ngư dân ngại ra khơi, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế tại địa phương.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, cho biết chi phí dầu là lớn nhất của một chuyến đi biển, tùy nghề mà có thể lên đến 70%. Do vậy, nhiều tàu cá, đặc biệt là tàu đánh bắt xa bờ, hiện không thể cân đối để có lãi cho một chuyến biển và phải nằm bờ, có nơi nằm bờ trên 30%. Đơn vị này đang khuyến cáo ngư dân kết hợp khai thác với hậu cần nghề cá để trung chuyển cá, vật tư khai thác nhằm kéo dài cho một chuyến biển để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Cảng cá Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đìu hiu. Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc cảng cá Thuận An, cho biết trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng 20-25 lượt tàu cập cảng nhưng nay thi thoảng chỉ vài tàu, có ngày không. Sản lượng khai thác cập cảng trong 6 tháng qua chỉ đạt 20% so với cùng kỳ những năm trước.

Tại Quảng Nam, dù đang vụ đánh bắt chính nhưng hơn 50% tàu cá vẫn nằm bờ. Quảng Nam có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu và 4.879 lao động cùng 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu và 8.063 lao động. Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết trên biển, tàu cá ngày càng vắng bóng, sản lượng đánh bắt hải sản trên địa bàn giảm sút rất nhanh. Tuy nhiên, địa phương rất lúng túng vì chưa có cách nào để hỗ trợ ngư dân.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cũng cho hay nhiều tàu cá ở địa phương tạm ngừng đi biển từ lâu. Ngư dân chủ yếu nghe ngóng thông tin khu vực nào có cá nhiều mới đi. Tại các khu neo đậu, cảng cá ở tỉnh Quảng Ngãi như Sa Kỳ (huyện Bình Sơn), Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi), Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ)… tàu thuyền cũng đậu chật kín.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - địa phương có số tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, những ngày qua, nhiều ngư dân đã nghỉ việc vì thu nhập thấp, nhiều tàu nằm bờ đợi bình ổn giá dầu.

Tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ cũng neo đậu nhiều tháng qua. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết trong số hơn 6.000 tàu cá (dài trên 6 m) trong tỉnh, có 3.200 tàu chuyên đánh bắt xa bờ.

Theo Phòng Kinh tế TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), hiện địa phương chỉ có một số ít tàu hành nghề vây rút chì khơi còn hoạt động, ở lại trên biển và bán hải sản qua tàu thu mua, còn lại nhiều nghề khai thác vùng khơi như chụp mực bốn tăng gông, câu khơi…, tàu thuyền đều nằm bờ.

Tại nhiều cửa biển lớn ở ĐBSCL như Khánh Hội, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc (Cà Mau); Gành Hào (Bạc Liêu)... hàng loạt tàu cá công suất lớn cũng nằm bờ. Tại cửa biển Gành Hào - nơi có hoạt động khai thác thủy hải sản sôi động nhất tỉnh Bạc Liêu, số tàu nằm bờ gần 50%.

Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh có khoảng 4.000 phương tiện đánh bắt xa bờ thì khoảng 50% nằm bờ và có xu hướng tăng.

"Hoạt động khai thác thủy sản của Kiên Giang chủ yếu là nghề lưới kéo, sử dụng máy công suất lớn. Vì vậy, giá nhiên liệu cao như hiện nay gây những ảnh hưởng không nhỏ. Dự báo thời gian tới, số phương tiện nằm bờ ngày càng tăng nếu giá nhiên liệu không hạ" - ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết.

Trăn trở cùng ngư dân

Theo ông Trần Văn Phúc, trước tình trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đã khuyến cáo ngư dân khai thác theo tổ đội, chuỗi liên kết để giảm chi phí, nâng cao chất lượng trong khâu đánh bắt, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Quảng Trọng Thao nói trước mắt, UBND tỉnh Kiên Giang đang trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Qua đó, hỗ trợ một phần chi phí cho ngư dân. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét phương án khoanh nợ, giãn nợ vay cho các tàu cá...

Còn ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Chúng tôi đã kiến nghị có nhiều chính sách cho ngư dân hơn nữa, như tăng chuyến biển được hỗ trợ, tăng kinh phí hỗ trợ để khuyến khích ngư dân vươn khơi. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn cần bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội thông qua".

"Ngư trường đã cạn kiệt, trong khi công tác khảo sát đánh giá riêng cho ngư trường Việt Nam vẫn chưa có. Cần có những dự án cụ thể, trang bị tàu khảo sát, công trình khoa học - nghiên cứu để có những điều tra, đánh giá cụ thể, đưa ra được những dự báo chính xác cho ngư trường, định hướng các ngành nghề khai thác phù hợp để khai thác bền vững, khai thác có trách nhiệm" - ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, đề xuất. 

Theo ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An, càng ra biển càng lỗ nên hiện tại có tới 40%-50% số tàu cá của Nghệ An phải nằm bờ. Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, cho biết tỉnh này có 6.513 tàu thuyền đánh bắt cá các loại, tính đến ngày 20-6 có 701 tàu nằm bờ hoặc không thường xuyên ra khơi.

"Giá xăng dầu tăng cao là cú sốc thực sự với ngư dân. Hiện chúng tôi chỉ biết phối hợp chính quyền địa phương vận động ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, tham gia khai thác, mở rộng ngư trường về phía Nam. Đồng thời, kiến nghị tỉnh đề nghị trung ương sớm có chính sách hỗ trợ, điều chỉnh giá xăng dầu giảm xuống để ngư dân có thể bù đắp lại một phần chi phí, yên tâm bám biển" - ông Cường thông tin.

Đ.Ngọc - Th.Tuấn

Không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh

Theo đề nghị của Bộ NN-PTNT, hỗ trợ ngư dân làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng, trước mắt là 6 tháng, hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15-11-2019 của Chính phủ.

Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đề nghị cho biết giải pháp hỗ trợ ngư dân bám biển, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết bộ này đã làm hết sức cùng các hiệp hội ngành hàng để làm sao giảm thiểu rủi ro nhất trong điều kiện có thể. Tuy nhiên, trong bức tranh của ngành thủy sản không chỉ khó khăn ở giá xăng dầu mà còn liên quan hệ lụy của Nghị định 67/CP trong thời gian qua. Ngành thủy sản có hơn 600.000 ngư dân trên biển và gần 4 triệu người làm công tác hậu cần nghề cá nhưng vẫn ở tình trạng "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát". Do đó, Bộ NN-PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển thủy sản bền vững theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng vì trữ lượng ngư trường của chúng ta không giống như ngày xưa nữa.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, phải có những chính sách an sinh hỗ trợ cho những đối tượng này. Không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh để bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho ngư dân bám biển, vươn khơi, làm chủ và khai thác kinh tế biển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo