Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 100% doanh nghiệp (DN) thủy sản cho rằng "3 tại chỗ" chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để DN duy trì sản xuất. Nếu không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi là khó tránh khỏi.
Chi phí phát sinh quá lớn
Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng là 3 địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước.
Từ tháng 7 đến nay, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của các tỉnh này phải giảm công suất hoạt động 60%-70% hoặc ngưng hoạt động do thiếu công nhân, chi phí tăng. Ngoài ra, việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm cũng gặp khó khăn.
Nhiều DN cho rằng hiện nay, ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường nhưng nếu mau chóng kiểm soát được dịch bệnh vào khoảng đầu tháng 9 để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội, muộn hơn thì coi như cơ hội năm nay trôi qua. Từ tháng 9 trở đi, các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu nhưng với tình hình hiện tại thì chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo sang năm 2022.
Còn với các DN chế biến cá tra tại ĐBSCL, từ cuối tháng 7, có tới 50% DN tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt size do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Một số DN nuôi cá tra thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện ước tính công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ 10%-20%.
Tại Hậu Giang, đa số nhà máy thủy sản đã đóng cửa vì nằm trong "vùng đỏ" và không đáp ứng được "3 tại chỗ". Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký, song cũng buộc phải ngưng hoạt động sau 1 tháng do phát sinh chi phí quá lớn, trong khi các chi phí đầu vào và dịch vụ hậu cần tăng mạnh.
Một số DN khác ngưng hoạt động thì chuyển hàng từ kho trữ để trả dần đơn hàng cho khách. Cho tới nay, hầu hết DN chế biến đều đã cạn cả nguyên liệu và thành phẩm trong kho nên đã dừng hoạt động hoàn toàn.
Nhiều DN chế biến cá tra tại Bến Tre đã ngừng chế biến cá tra từ đầu tháng 8 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi trồng gặp khó khăn, công nhân lo ngại bị nhiễm bệnh nên cũng xin nghỉ. Tỉ lệ DN chế biến được tiêm vắc-xin hiện dưới 15%.
Để cầm cự sản xuất, một số DN cố gắng chế biến nghêu nhưng giá thấp nên họ cũng đang xem xét ngưng hoạt động. Thêm nữa, không ít khách hàng nhập khẩu đòi hủy hợp đồng và tìm khách hàng thay thế với lý do chậm tiến độ giao hàng.
Doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL đang đứng trước thách thức, song cũng có cơ hội phục hồi
Thấp thỏm chờ cơ hội
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 263,8 triệu USD. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-8, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước vẫn đạt 5,2 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2020. Từ đó cho thấy kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã bị tác động mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề.
"Công ty chúng tôi chủ yếu chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng xuất cho các thị trường khó tính. Khi thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi chủ động giảm công suất vì thiếu hụt hàng trăm lao động và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Từ đó buộc phải từ chối rất nhiều đơn hàng.
Những tháng cuối năm là cơ hội thị trường của ngành xuất khẩu thủy sản nên lúc này DN đang đứng trước giữa cơ hội và thách thức rất lớn. Hiện DN chỉ trông chờ vào tình hình kiểm soát dịch bệnh chứ không còn tự chủ được. Nếu đầu tháng 9 tình hình dịch bệnh được kiểm soát, DN đủ điều kiện và tăng công suất hoạt động trở lại thì cơ hội mở ra là rất sáng sủa.
Còn nếu không thay đổi thì DN sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nguy cơ gãy đổ chuỗi sản xuất, xuất khẩu là điều khó tránh khỏi" - bà Hồ Thị Kiểng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú (Bạc Liêu), lo lắng.
Tại Cà Mau, một trong những địa phương có ngành chế biến tôm xuất khẩu mạnh nhất nước, sau thời gian áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến" đã rút ra hàng loạt bất cập. Theo đó, chỉ có khoảng 40% công nhân đồng ý ở lại làm việc so với trước khi thực hiện theo phương án, dẫn đến công suất hoạt động của nhà máy giảm khoảng 60%.
"Công suất sản xuất giảm, không đáp ứng được các hợp đồng đã ký, nhiều đơn hàng yêu cầu hủy hợp đồng. Các DN cũng phản ánh việc phát sinh nhiều chi phí. Ngoài ra, khâu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khó khăn, hàng tồn kho nhiều dẫn đến vòng quay vốn chậm, nợ ngân hàng tăng, phát sinh chi phí tài chính lớn, DN buộc phải duy trì sản xuất dù thua lỗ.
Nhìn chung phương án sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" chỉ là giải pháp tình thế, nếu kéo dài thì cả DN và người lao động đều không đủ khả năng chịu đựng" - ông Huỳnh Văn Đậm, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ tỉnh Cà Mau, cho biết.
Ông Phạm Văn Vũ, đại diện Công ty Thủy sản Thủy Chung (tỉnh Bạc Liêu), cho biết nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh khả quan thì sản xuất, xuất khẩu phục hồi, kéo theo giá tôm nguyên liệu sẽ tăng trở lại. Những tháng cuối năm cũng là thời gian thị trường xuất khẩu tôm hoạt động mạnh nhất. Đó là cơ hội tốt để ngành xuất khẩu phục hồi...
Bình luận (0)