Cụ thể, xăng RON92 tăng 600 đồng/lít, giá bán 30.230 đồng/lít; xăng RON95 tăng 920 đồng/lít, giá bán 31.570 đồng/lít; dầu diesel tăng 840 đồng/lít, giá bán 26.390 đồng/lít; dầu hỏa tăng 940 đồng/lít, giá bán 25.340 đồng/lít; dầu mazut tăng 310 đồng/kg, giá bán 20.900 đồng/kg.
Vậy là giá bán xăng RON95 đã cán mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Trước ngày 1-6, Bộ Công Thương nói rằng mỗi lít xăng trong nước là 1,3 USD, bằng mức bình quân của thế giới (đứng thứ 86 trong 170 quốc gia); giá xăng Việt Nam thậm chí còn thấp hơn một số quốc gia ở châu Á, như Trung Quốc (1,35 USD), Thái Lan (1,43 USD), Campuchia (1,39 USD), Lào (1,74 USD), Hàn Quốc (1,53 USD).
Nhưng thu nhập bình quân đầu người hay mức lương tối thiểu vùng của người lao động Việt Nam… so với các quốc gia đó như thế nào, thì không thấy Bộ Công Thương so sánh?!
Đó là chưa nói đến việc chúng ta có tới 2 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất, cung ứng một lượng xăng dầu khá đáng kể cho thị trường trong nước. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 khoảng 20,6 triệu m3, riêng nhu cầu xăng dầu quý II/2022 dự kiến khoảng 5,2 triệu m3 trong khi nguồn cung của quý này có thể đạt 6,7 triệu m3, gồm từ Nghi Sơn dự kiến 1,8 triệu m3, Dung Quất dự kiến 1,9 triệu m3, còn lại nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và tồn kho từ quý I/2022 chuyển sang là 1,5 triệu m3. Nếu so với nhu cầu xăng dầu quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3 thì sản lượng nhập khẩu 1,5 triệu m3, chiếm tỉ lệ gần 29%. Từ đây, vấn đề khiến dư luận thắc mắc: Tỉ lệ nhập khẩu chừng đó thì có tác động quá lớn đến mức phải tăng giá bán xăng dầu trong nước nhiều đến thế không?
Vào thời điểm này, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên - nhiên - vật liệu thế giới tiếp tục đà tăng do chịu tác động từ xung đột Nga - Ukraine và do nhu cầu gia tăng từ đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam càng ngày có độ mở càng lớn nên khó tránh áp lực tăng giá các mặt hàng nhập khẩu, trong đó có xăng dầu. Nhưng tình huống này không bất ngờ, có thể nhìn thấy trước để dự báo được diễn biến thị trường nhằm có giải pháp điều hành giá linh hoạt. Hiện quỹ bình ổn giá xăng dầu đã âm, trong khi các công cụ khác vẫn còn dư địa để dùng tới, như: tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Nhờ đó mới có thể hạn chế mức tăng giá xăng dầu cho những kỳ điều hành sắp tới.
Các ngành như vận tải đường bộ, hàng không đang "ná thở" vì giá xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm phương tiện, nhân sự để bớt lỗ, không dám tăng cước vì sợ mất khách. Mà cước phí vận tải tăng thì kéo theo hàng loạt sản phẩm, hàng hóa khác cùng tăng, ảnh hưởng sâu sắc đến điều hành vĩ mô. Chính vì vậy, kìm giá là bài toán hóc búa hiện nay. Một khi trong tay có công cụ nào khả thi thì hãy dùng ngay công cụ đó!
Lời giải cho bài toán điều hành giá, nói cho đầy đủ, không chỉ đến từ nhà nước, mà vào lúc này người dân cũng phải chung sức bằng cách thực hành tiết kiệm.
Bình luận (0)