Ngày 1-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XV thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Chậm triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) QH bày tỏ băn khoăn khi tiến độ thực hiện, giải ngân các chính sách, gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhấn mạnh Nghị quyết 43 của QH về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình) với quy mô 350.000 tỉ đồng được thảo luận và thông qua rất khẩn trương hồi tháng 1-2022 nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm, chưa qua vòng thủ tục. Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) trăn trở khi nhiều quyết sách chưa đi vào cuộc sống, doanh nghiệp (DN) chưa thực sự được hỗ trợ, các hướng dẫn thực hiện thiếu linh hoạt, chưa kịp thời.
Từ thực tế tại Quảng Bình, nữ ĐB cho biết nhiều cơ sở du lịch nhỏ chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để hoạt động dù đang mùa cao điểm, phục hồi tốt. Do vậy, nếu ban hành văn bản nhưng không có cơ chế phù hợp để thực hiện sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng không dám cho vay, lãng phí cơ hội phục hồi của nhiều ngành. "Người dân, DN phấn khởi khi Nghị quyết 43 được thông qua và tạo động lực phục hồi. Tuy nhiên, những kỳ vọng giảm dần khi triển khai còn vướng mắc" - ĐB Tâm nói và đề nghị cần sự quyết liệt, kịp thời hơn nữa trong triển khai.
Đại biểu Siu Hương cho biết giá cả hàng hóa, trong đó có xăng dầu tăng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống người dân Ảnh: NGUYỄN NAM
Trước QH và cử tri, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh có sự "sốt ruột không hề nhỏ" khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được, dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, cấp bách. Theo ĐB Trịnh Xuân An, nếu không có các giải pháp phù hợp thì tiến độ 2 năm của Chương trình là rất khó khả thi. Ông An cho rằng công tác giải ngân, hỗ trợ các đối tượng bị tác động của đại dịch chưa thực hiện dứt điểm như chương trình hỗ trợ thuê nhà cho công nhân, máy tính cho em.
Theo ĐB đoàn Đồng Nai, việc triển khai chậm làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn. Ông An đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn, cải cách thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà; nội dung nào đúng thẩm quyền thì phải quyết định ngay, tránh mọi việc dồn lên Chính phủ và Thủ tướng; hạn chế tối đa việc xin ý kiến lòng vòng giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, phân cấp mạnh hơn nữa đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện giải ngân, triển khai chính sách.
Tín hiệu lạm phát đang rõ nét
Vấn đề giá cả hàng hóa tăng cao thời gian qua, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu cũng làm "nóng" phiên thảo luận. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM), Chính phủ cần lưu ý đến giá xăng dầu và giá lương thực. Ông cho rằng trước tiên cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện các mục tiêu đó, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ sớm trình QH, Ủy ban Thường vụ QH giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT đối với mặt hàng xăng dầu. Bởi ĐB Trần Hoàng Ngân lo ngại nếu để giá xăng dầu tăng cao sẽ xảy ra "hiệu ứng domino" với các mặt hàng khác.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và các cuộc tiếp xúc cử tri, ĐB Siu Hương (Gia Lai) cho biết cử tri phản ánh nhiều về việc giá cả sinh hoạt gia tăng liên tục và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình; giá vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp cũng tăng, nhất là phân bón. Bên cạnh đó, giá xăng và nguyên vật liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều tăng làm ảnh hưởng hoạt động nhiều DN. Số liệu thống kê cũng cho thấy các chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở nhiều lĩnh vực sẽ có những tác động đến đời sống của người dân. "Đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá đối với các mặt hàng trên để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân" - ĐB Siu Hương nhấn mạnh.
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng, ĐB Trần Anh Tuấn (TP HCM) cho rằng tín hiệu lạm phát đang rõ nét. Ông Tuấn dự báo xu hướng từ nay tới cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng, trong đó có nhóm mặt hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, năng lượng có thể tăng cao hơn. "Cứ 1% tăng trong chi phí nguyên vật liệu thì sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân" - ông Trần Anh Tuấn nói và kiến nghị tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế để hỗ trợ người dân, DN.
Giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu
Thao túng giá trên thị trường chứng khoán (TTCK), trái phiếu DN cũng khiến nhiều ĐB quan ngại và kiến nghị loạt giải pháp chấn chỉnh. Theo ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định), thời gian qua có những cá nhân, tổ chức, DN có hành vi thao túng, che giấu thông tin, trục lợi, gây bất ổn cho TTCK làm thiệt hại đến nhà đầu tư, phần nào đó ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước. Trước thực tế này, bà Hạnh kiến nghị các bộ, ngành rà soát các quy định pháp luật về chứng khoán và phát hành trái phiếu DN. Tăng cường các hoạt động giám sát TTCK, trái phiếu DN, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Từ những vụ việc thời gian qua liên quan đến Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ĐB Trịnh Xuân An cũng đồng tình với việc cần tăng cường quản lý, giám sát TTCK, trái phiếu DN. "Những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn của nước ta rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động, can thiệp. Do đó, cần theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin" - ông An nói. Theo ông, xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu xử đến đó để không xảy ra "quả bom" trái phiếu DN, dẫn đến hiệu ứng "domino" trong thị trường vốn. ĐB Trịnh Xuân An cũng lưu ý cần rà soát chính sách quản lý đối với các thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến các kênh dẫn vốn của nền kinh tế.
Hôm nay (2-6), QH tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Các "chiêu trò" đấu giá đất để trục lợi
Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã phát biểu về những góc khuất, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua. Theo đó, có tình trạng trúng đấu giá rồi bỏ cọc để thổi giá đất lên cao, thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số. Bên cạnh đó là chiêu trò "quân xanh, quân đỏ" thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất. ĐB chỉ rõ các thủ đoạn trong đấu giá đất gây ra thiệt hại rất lớn cho tài sản của nhà nước.
Theo bà Thủy, còn có tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản nhà nước, có "tay trong" tại các cuộc đấu giá để cung cấp, tiết lộ thông tin hoặc nghiêm trọng hơn là sự cấu kết giữa người đấu giá với người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích. Cuối cùng, ĐB Thủy nhấn mạnh đến chiêu thức móc ngoặc trong thẩm định giá. Từ đó, nữ ĐB kiến nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm soát, thanh kiểm tra đối với hoạt động đấu giá đất. Kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong hoạt động này.
Kiến nghị sớm tăng lương tối thiểu
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) dẫn khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam vào tháng 4-2022 cho thấy chỉ có khoảng 55% người lao động cho biết có tiền lương và thu nhập đủ sống; khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu. Từ ngày 1-7-2022, theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%. ĐB Nghĩa cho rằng với mức tăng 6% lương tối thiểu, vùng 1 cao nhất của nước ta sẽ là 4.680.000, tương đương 200 USD, so với các quốc gia trong khu vực thì mức này vẫn còn thấp. Do đó, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống của người lao động và gia đình họ.
Bình luận (0)