Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH), Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM - đã có những chia sẻ với Báo Người Lao Động xung quanh vấn đề trên.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào khi dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) tiếp tục đề cập vấn đề này?
- Luật sư Trương Trọng Nghĩa:
Việc thành lập Ủy ban lâm thời (UBLT) được quy định bởi Hiến pháp, Luật Tổ chức QH, thuộc quyền hạn giám sát của QH, không chỉ áp dụng trong phòng chống tham nhũng mà cả những trường hợp khác khi thấy cần thiết. Tất nhiên, không phải vụ việc nào cũng lập UBLT. Khi nhận thấy những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tình tiết phức tạp, liên quan nhiều cán bộ cấp cao, nhiều bộ ngành, địa phương, có thể có tác động sâu rộng về chính trị, kinh tế - xã hội, cần giải quyết triệt để, không kéo dài… Trong những trường hợp đó QH nên thành lập UBLT.
Có nhất thiết lập UBLT khi mà bộ máy không thiếu những cơ quan đủ chức năng, thẩm quyền làm việc này?
- UBLT không làm thay chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chức năng và không phải vụ việc nào cũng thành lập. Thực tiễn cho thấy có những vụ việc kẻ phạm tội dùng nhiều chiêu đối phó rất tinh vi, được sự che chắn ở cấp cao, thậm chí tấn công trở lại. Trong những trường hợp đó, sự tham gia của QH sẽ giúp sức và hỗ trợ cho các cơ quan chức năng. Tất nhiên, QH tiến hành theo kênh, thẩm quyền, cách thức của mình, chứ không can thiệp hay làm thay.
Ngoài ra, có những vụ việc kéo dài, gây phản cảm trong nhân dân thì QH cũng cần và có quyền giám sát. Có trường hợp tội A mà xử thành tội B, nhân dân phản ứng, cho rằng xét xử sai, bỏ lọt tội hoặc xử không nghiêm hoặc trường hợp nhân dân, cán bộ, cử tri phản ánh, cơ quan chức năng tiếp thu không đầy đủ, có biểu hiện bao che hay những vụ các bộ, ngành, chính quyền địa phương có nhiều quan điểm khác nhau khiến việc xử bị ách tắc thì QH nên thành lập UBLT nhằm tiến hành xác minh độc lập, khách quan. Vừa qua, nhờ giám sát mà QH đã phát hiện một số vụ án oan sai, cho thấy vai trò xác minh độc lập, khách quan của QH là rất cần thiết.
Ông có thể nói rõ hơn UBLT nếu được thành lập sẽ hoạt động như thế nào?
- Hiện nay chưa có tiền lệ nhưng có thể hình dung: UBLT sẽ làm việc với các ngành chức năng để nắm tình hình, theo dõi tiến độ của việc điều tra, xác minh và thực hiện chức năng giám sát công tác điều tra, xác minh đó. Trong đại biểu QH có nhiều chuyên gia, cán bộ chuyên môn, nhà khoa học giỏi, nhiều kinh nghiệm. Do đó, khi giám sát họ có thể những đóng góp sâu sắc, khách quan, hiệu quả cao. Ví dụ, có những trường hợp việc điều tra, xử lý gặp những trở ngại, thậm chí là phản kích, đối phó tinh vi của những "tội phạm có tổ chức", cố tình dùng tiền và phe phái để vô hiệu việc điều tra, xử lý thì với thẩm quyền của mình, QH có thể hỗ trợ, tiếp sức cho cơ quan chức năng. Khi đó, UBLT có thể kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước để có những biện pháp mạnh hơn hoặc tăng cường thêm lực lượng.
Việc thành lập UBLT trong những trường hợp nêu trên còn bắt nguồn từ chức năng của QH là cơ quan quyền lực dân cử cao nhất. Do đó, QH có nghĩa vụ báo cáo kịp thời và minh bạch với cử tri việc điều tra, xác minh, xử lý những vụ việc quan trọng của quốc gia hay tác động sâu rộng đối với lợi ích của đất nước và nhân dân. Ngoài việc giám sát, UBLT có thể trưng dụng những cán bộ chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học để thiết lập kênh điều tra, xác minh riêng, qua đó thu thập những thông tin cần thiết một cách độc lập, khách quan, từ đó đối chiếu với các thông tin của các cơ quan chức năng để cùng nhau đạt tới sự thật khách quan.
Nói như vậy, phải chăng có những trường hợp thiếu tin tưởng vào lực lượng phòng chống tham nhũng hiện nay?
- Trong điều kiện kinh tế thị trường nhiều thành phần, không loại trừ những trường hợp cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật có quan hệ thân thích, làm ăn chung, chia sẻ lợi ích với những người phạm tội mà chưa bị phát hiện. Khi ấy, giao cho chính những người đó đi điều tra, xử lý thì làm sao khách quan, công bằng và nhanh chóng được. Đã từng có những trường hợp những kẻ xấu tội phạm được bao che, thông tin, giúp đỡ để bỏ trốn. Việc lập UBLT để giám sát và xác minh không có nghĩa là không tin tưởng các ngành ấy nhưng đối với những vụ việc phức tạp, có thêm một kênh điều tra, xác minh độc lập thì sẽ khách quan và hiệu quả hơn.
Phải chăng trong lực lượng phòng chống tham nhũng đang có những khâu yếu kém cần khắc phục và UBLT là để góp phần hỗ trợ, tiếp sức?
- Nghị quyết của Đảng nói rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, thậm chí là cấp rất cao, đang có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. Bộ phận không nhỏ ấy nằm trong nhiều ngành, nhiều cấp và không loại trừ trong cả lực lượng phòng chống tham nhũng. Qua các vụ án gần đây, ta thấy có những nhóm tội phạm rất mạnh về tài chính, họ chi phối nhiều cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước để kéo dài việc trục lợi bất chính và che giấu sai phạm. Hơn nữa, việc lập UBLT cũng là thực hiện nghị quyết Đảng về kiểm soát lẫn nhau giữa ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thành lập UBLT là thể hiện rõ sự kiểm soát ấy. Kiểm soát mà cơ quan chức năng làm hết, báo cáo lên thì còn gì kiểm soát. Có những trường hợp, QH cần phải kiểm soát ở giai đoạn đầu, thậm chí tiến hành điều tra song song để phối hợp với bên hành pháp và tư pháp nhằm phòng chống tội phạm có hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Trong năm 2016, ông từng đề nghị QH thành lập UBLT điều tra vụ Formosa. Vì sao ông lại đề nghị việc này?
- Tôi và một số đại biểu đã từng đề nghị QH thành lập UBLT để điều tra vụ Formosa nhưng QH không chấp nhận. Tôi đề nghị vì thấy cần xét lại toàn bộ quá trình cấp giấy phép của Formosa xem đúng sai ra sao, nếu sai thì ai chịu trách nhiệm? Một dự án như Formosa mà tỉnh đi cấp phép 70 năm có cần thiết không? Tỉnh cấp 70 năm là vượt thẩm quyền mà Thủ tướng không xử lý thì cử tri rất thắc mắc. Trong vụ Formosa, rõ ràng có những cán bộ, công chức đã ưu ái cho kẻ vi phạm, ký kết nhiều giấy phép sai pháp luật, vượt thẩm quyền, buông lỏng quản lý. Những trường hợp đó mà giao cho những cán bộ, công chức ấy đi điều tra, xử lý thì sao khách quan được.
Chính vì những phức tạp và tầm quan trọng vậy nên tôi kiến nghị QH thành lập UBLT để điều tra, xem xét lại.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND Cấp cao tại TP HCM:
Nên lập UBLT khi cần thiết
Trong trường hợp cần thiết, QH nên thành lập UBLT để điều tra làm rõ về vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm. Bởi thực tế có những đối tượng tham nhũng phải ở tầm QH "ra tay" mới xử lý được. Bên cạnh đó có nhiều trường hợp bị tố cáo nhưng không phải lúc nào cũng có thể điều tra được.
Do vậy, QH cần thiết phải lập một ban điều tra lâm thời nếu nhận được thông tin tố cáo tham nhũng về một cá nhân nào đó. Khi cần thiết, thành lập UBLT là hoàn toàn đúng thẩm quyền, chức năng và không bị giới hạn bởi bất kể vị trí nào.
Chuyên gia cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam (Bộ Nội vụ):
Không khéo lại giẫm chân lên nhau
Dưới góc độ tổ chức bộ máy, tôi thấy không cần thiết QH phải thành lập UBLT để điều tra làm rõ về vụ việc tham nhũng. Hiện nay, tổ chức bộ máy để thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng rất đầy đủ. Bên Đảng có Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban Nội chính trung ương; bên Chính phủ có Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an. Ngoài ra còn có các cơ quan khác như viện kiểm sát, tòa án… Nói chung là đủ hết. Hơn nữa, hiện nay bộ máy chúng ta đang cồng kềnh, ngày càng phình to, đang muốn tinh giản thì không nên thành lập thêm bất cứ cơ quan, tổ chức nào, trong khi cái hiện hữu đã có. Nếu lập UBLT khi cần thiết có vẻ đặc biệt và thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng nhưng vấn đề là các cơ quan chức năng hiện tại chưa thực hiện hết quyền của mình đã được pháp luật quy định.
Mặt khác, nếu những con người làm công tác phòng chống tham nhũng có đủ bản lĩnh, đức, tài, dám làm, quyết làm thì việc này sẽ hiệu quả ngay. Còn không, dù có thành lập ban này ban kia mà không có những con người như vậy thì cũng không đem lại kết quả mà còn làm rườm rà bộ máy, chồng chéo nhiệm vụ, giẫm chân lên nhau. T.THỪA ghi
Bình luận (0)