Ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2017.
Dư luận bức xúc chuyện tặng quà, chi hoa hồng
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết cơ quan thẩm tra đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng song thẳng thắn đánh giá một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp.
Nổi lên là việc trong năm 2017, số lượng bản kê khai tài sản của cán bộ rất lớn nhưng chỉ xác minh đối với 77/1.113.422 người đã kê khai (0,007%) và kết quả xác minh phát hiện 3 trường hợp vi phạm, giảm nhiều so các năm trước. Điều đáng nói là từ phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc dư luận.
Bà Lê Thị Nga nêu thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức. Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm. Từ một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của OceanBank hay việc chi hoa hồng cho bác sĩ của Công ty CP VN Pharma… Chính phủ cần đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này.
Trước tình hình trên, Ủy ban Tư pháp kiến nghị QH, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt bày tỏ lo ngại đơn thư khiếu nại, tố cáo còn quá nhiềuẢnh: TTXVN
Dân chờ vẫn chưa công bố
Cho ý kiến vào các báo cáo, Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương nêu việc Thanh tra Chính phủ năm nào cũng nói kiến nghị thu hồi hàng ngàn tỉ đồng và đất nhưng thực tế nhiều năm chỉ được 50% và số còn lại sao không thu được? Cố tình vi phạm thì phải xử lý, kiến nghị phong tỏa tài sản hay có biện pháp hữu hiệu khác. Bên cạnh đó, kết luận thanh tra, kiểm toán… phải công khai rộng rãi, nhiều vụ thanh tra xong cứ để đấy, như vụ thanh tra tài sản cán bộ Yên Bái được dân quan tâm mà mãi chưa công bố.
"Nhiều việc chúng ta làm nỗ lực nhưng vì chậm công bố mà người ta nghĩ có khuất tất" - ông Đương thẳng thắn.
Cần làm rõ số trốn trại
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết trong các loại tội phạm tăng thì số bị can lợi dụng chức vụ và phạm tội tham nhũng tăng và tăng cao nhất, đề nghị Chính phủ và các ngành phân tích rõ nguyên nhân. Đây còn là niềm tin của cử tri và nhân dân đối với cơ quan công quyền.
Một vấn đề đáng lo ngại, theo ông Chiến, hiện còn trên 11.000 đối tượng truy nã đang ở ngoài xã hội. Năm vừa qua bắt và thanh loại trên 7.000 đối tượng nhưng số còn lại là mầm mống nảy sinh tội phạm, nguy hiểm cho xã hội. Cần làm rõ số trốn trại hiện là bao nhiêu, trốn tránh điều tra xét xử bao nhiêu, hằng năm tăng bao nhiêu để làm rõ nguyên nhân. Cũng cần làm rõ thêm số đối tượng trốn truy nã trong nước bao nhiêu, ra nước ngoài bao nhiêu?
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt hoan nghênh ngành công an tuyên chiến trong việc tạm dừng bổ nhiệm; còn tòa án, viện kiểm sát tuyên chiến với việc ngăn chặn oan sai và đền bù oan sai. Tuy nhiên, ông Việt bày tỏ lo ngại trước tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo còn quá nhiều, vòng vo, trên đẩy xuống dưới đẩy lên làm khổ dân. Đây là điều nhân dân bức xúc, cần quan tâm giải quyết.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị địa phương hay đơn vị nào làm không tốt việc phòng chống tham nhũng thì nêu rõ địa chỉ. "Báo cáo đóng dấu mật nhưng cái này phải công khai để nhắc nhở, phê bình" - bà Ngân lưu ý.
Bình luận (0)