Theo báo cáo của TAND tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 10-2016 đến tháng 9-2017, TAND 2 cấp đã giải quyết 10.188 vụ việc. Trong đó có hơn 250 vụ việc bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy hoặc sửa do lỗi chủ quan.
Mắc nhiều sai sót
TAND tỉnh Đắk Lắk đánh giá một số sai sót trong quá trình giải quyết vụ án chưa được khắc phục triệt để; các bản án, quyết định bị hủy chủ yếu là do vi phạm thủ tục tố tụng; điều tra, thu thập chứng cứ không đầy đủ; việc nghiên cứu, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện; áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án chưa chính xác.
Bên cạnh đó, một số sai sót mặc dù đã được cấp trên nhắc nhở, rút kinh nghiệm nhưng thẩm phán vẫn mắc phải như: phân tích, đánh giá, nhận định còn sơ sài; áp dụng không đúng pháp luật; đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện; trình độ năng lực của cán bộ, thẩm phán còn hạn chế ở một số lĩnh vực…
Còn tại tỉnh Kon Tum, ông A Brao Bim, Chánh án TAND tỉnh, cho biết khi đánh giá, phân loại công chức ngành tòa án tỉnh năm 2016, có 24 cán bộ bị xếp loại hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực. Trong số này, có tới 21 thẩm phán bị đánh giá còn hạn chế về năng lực do có án bị hủy, bị sửa vượt quá quy định.
Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho biết nếu thẩm phán trong 1 năm mà có 1,16 vụ án bị hủy, sửa thì bị đánh giá hạn chế về năng lực. "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một thẩm phán bị đánh giá hạn chế về năng lực nhưng phần lớn là do nhận thức chủ quan, họ cho rằng như vậy là đúng nhưng sau đó bị cấp trên phát hiện sai" - luật sư Tòng nói.
Cũng theo luật sư Tòng, một khi bị đình chỉ xét xử vì những sai sót, vi phạm, hạn chế về năng lực như nói ở trên, thẩm phán phải đi học lại, đạt kết quả thì mới được cho xét xử tiếp.
Sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên 18 tháng tù giam; mới đây, anh Trần Thanh Sang được tòa phúc thẩm tuyên vô tội Ảnh: CAO NGUYÊN
Dễ gây oan sai
Việc có quá nhiều thẩm phán bị đánh giá "còn hạn chế về năng lực" thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Bởi trên thực tế, thời gian qua xảy ra không ít vụ oan sai không chỉ khiến nhiều người chịu án oan, nhà nước phải bồi thường mà còn làm niềm tin vào "cán cân công lý" của người dân sụt giảm.
Điển hình là một số vụ án khá hài hước dưới đây:
Sau một chầu nhậu, anh Trần Thanh Sang (SN 1988) và anh Trần Thọ Đức (SN 1990; cùng ngụ huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) chở nhau trên xe máy gây tai nạn làm em Lê Quang Linh (học sinh lớp 11) tử vong. Sau quá trình điều tra, anh Đức bị TAND huyện Krông Búk tuyên phạt 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Vụ án bị TAND tỉnh Đắk Lắk hủy, đề nghị điều tra bổ sung và sau đó, TAND huyện Krông Búk xử sơ thẩm lần 2. Kết cục, không phải anh Đức mà là anh Sang bị tuyên phạt 18 tháng tù giam. Trải qua 6 vòng tố tụng, 2 người thay nhau làm bị cáo và mới đây, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên bố anh Sang không phạm tội và đình chỉ vụ án. Gia đình nạn nhân đau đớn vì sau 7 năm truy tố, xét xử đến nay vẫn chưa biết ai là người gây ra cái chết cho con mình.
Cách đây không lâu, TAND huyện Ea Kar đã phải bồi thường hơn 50 triệu đồng cho ông Nguyễn Đình Sơn theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Tháng 3-2004, gia đình ông Sơn mua của gia đình bà Chu Thị Hoa khoảng 10.000 m2 đất bằng giấy sang nhượng viết tay, được ban tự quản thôn 7 xác nhận. Sau đó, bà Hoa làm ăn thua lỗ, nợ nần, bị kiện ra tòa, TAND huyện Ea Kar buộc bà phải trả 71,7 triệu đồng cho nguyên đơn nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea Kar kê biên một phần diện tích đã bán cho ông Sơn. Cuối năm 2012, ông Sơn thuê người san ủi vườn cà phê già cỗi trên phần diện tích này thì bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến cuối năm 2013, TAND huyện Ea Kar xét xử, tuyên phạt ông Sơn 6 tháng tù, buộc bồi thường thiệt hại 88,78 triệu đồng. Sau đó, ông Sơn được đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn sau 683 ngày bị cấm đi khỏi nơi cư trú và mang thân phận bị can.
Từ thực tiễn trên, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP HCM, đặt vấn đề: "Thẩm phán bị đình chỉ nếu được xét xử trở lại thì "số phận" của những người bị xét xử sẽ ra sao, cùng với rất nhiều hệ lụy không lường trước được. Do đó, ngành tòa án cần làm rõ trình độ, năng lực chuyên môn của thẩm phán để bảo đảm việc xử án công minh, không gây oan sai".
Xếp loại lại để dễ đề bạt, bổ nhiệm
Ông A Brao Bim cho biết sau khi 21 thẩm phán và 3 cán bộ bị xếp loại "hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực" năm 2016, TAND Cấp cao đã nhận được đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại việc đánh giá. Kết quả đánh giá, xếp loại lại vào đầu năm 2018, những người trên được hủy quyết định cũ và xếp loại lại thành "hoàn thành nhiệm vụ", "hoàn thành tốt nhiệm vụ". "Việc khắc phục là để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của thẩm phán so với các tiêu chí, quyết định mới. Vì nếu để như cũ sẽ ảnh hưởng đến công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ" - ông A Brao Bim giải thích.
Bình luận (0)