Ngày 31-3, sau hơn 2 giờ đi thuyền và gần 1 giờ đi bộ, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp cận hiện trường vụ phá rừng lim cổ thụ tại lâm phận rừng phòng hộ (RPH) Nam Sông Bung (xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).
Liều lĩnh phá rừng
Hiện trường vụ phá rừng cách con suối Đại Hồng khoảng 500 m. Lâm tặc đã phát quang 1 con đường rộng khoảng 1 m để vận chuyển gỗ xuống suối, đưa ra sông chở về xuôi tiêu thụ. Từ bờ suối men theo con đường này chừng 400 m, chúng tôi đã thấy nhiều cây lim 3-4 người ôm không xuể bị đốn hạ. Có cây bị chặt hạ cách đây vài tháng; có cây phần gốc bắt đầu có dấu hiệu bị mục, chứng tỏ đã bị chặt phá cách đây vài năm. Di chuyển thêm khoảng 100 - 200 m, một khoảnh rừng với nhiều cây lim cổ thụ có đường kính từ 1,2 - 1,7 m vừa bị chặt phá khoảng 20-40 ngày trước bắt đầu lộ ra. Có cây đã được đưa ra khỏi hiện trường còn trơ lại phần gốc, có cây lâm tặc chưa kịp cưa xẻ còn nguyên khúc.
Hàng chục cây lim cổ thụ 3-4 người ôm không xuể đã bị lâm tặc tàn sát
Ghi nhận hiện trường có thể thấy những người phá rừng khá chuyên nghiệp, họ sử dụng cưa lốc để hạ những cây gỗ lim quý, xẻ thành phách rồi mới vận chuyển khỏi hiện trường. Nhìn con đường mòn được lâm tặc sử dụng để vận chuyển gỗ có thể biết được nó có từ khá lâu và được sử dụng thường xuyên. Lâm tặc đã phá rừng theo kiểu gần hạ trước, xa hạ sau và có vẻ như việc phá rừng này diễn ra rất liều lĩnh, xem nơi đây như chốn không người.
Một người dân địa phương dẫn đường cho chúng tôi tiết lộ trước đây, sau khi cưa xẻ lim cổ thụ, lâm tặc chuyển gỗ về xuôi theo đường bộ hoặc đường thủy. Gần đây, khi thủy điện Sông Bung 4 tích nước, lâm tặc chọn cách vận chuyển gỗ theo khe suối, đưa xuống sông rồi men theo dòng sông Bung đưa về phố bán cho các đại gia.
Điều đáng nói, ngay ngã ba giáp lòng hồ thủy điện và sông Ring có một trạm chốt chặn của Ban Quản lý RPH Nam Sông Bung nhưng không hiểu sao lâm tặc có thể đưa gỗ về xuôi mà không bị phát hiện. Trong chiều 31-3, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo Ban Quản lý LRPH Nam Sông Bung nhưng khi nghe xưng là phóng viên, ông này vờ như không nghe tiếng, sau đó chúng tôi gọi lại thì không bắt máy.
Chậm vào cuộc
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy có có 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào mới bị chặt hạ. Ước tính tổng khổi lượng gỗ thiệt hại 235,111 m3. Tuy nhiên, nếu tính cả những cây lim bị chặt hạ 2-3 năm trở lại đây thì khối lượng lớn hơn nhiều. Điều đáng nói, ngày 7-3, Ban Quản lý và Hạt Kiểm lâm RPH Nam Sông Bung kiểm tra phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khu vực trên nhưng không hiểu sao mãi đến ngày 21-3 Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, Hạt Kiểm lâm RPH Nam Sông Bung mới phối hợp các ngành chức năng huyện Nam Giang khám nghiệm hiện trường. Đến ngày 28-3, Hạt Kiểm lâm RPH Nam Sông Bung mới ban hành quyết định khởi tố vụ án.
Trung tá Hà Kế Xuyên, Phó trưởng Công an huyện Nam Giang, cho biết đến ngày 28-3, kiểm lâm mới chuyển hồ sơ vụ án đến nên ông cũng mới nghiên cứu bước đầu. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định vụ phá rừng lim này là rất nghiêm trọng, phức tạp nên đã chỉ đạo công an tỉnh xem xét phối hợp với Công an huyện Nam Giang điều tra làm rõ.
Bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra vụ việc. Thừa nhận bản thân có trách nhiệm khi để rừng trên địa bàn liên tục bị phá, bà Như cho biết sắp tới sẽ tự nhận trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm những người liên quan.
Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, năm 2017, ông Lê Trí Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) và ông Trần Xuân Vinh (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam) bị hạ bậc xếp loại thi đua năm 2017 từ "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" xuống "hoàn thành nhiệm vụ".
Bình luận (0)