Thời gian qua, người dân tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai bất bình trước việc Công ty TNHH MTV Ngân Sơn (huyện Kbang) triệt hạ cây rừng ở khu vực suối Cọp (xã Lơ Ku, huyện Kbang). Một diện tích rừng tự nhiên khá lớn bị doanh nghiệp này "thảm sát" để lấy gỗ, sau đó cho trồng keo lai thay thế.
Vị trí người dân phản ánh nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng xanh mướt, thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku (huyện Kbang). Có mặt tại đây, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận hàng ngàn cây gỗ tự nhiên từ lớn đến nhỏ ở nhiều quả đồi bị chặt sạch. Nhiều cây gỗ lớn đã được xẻ thành phách chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng. Tại những vị trí cây rừng bị đốn hạ là cây keo lai cao khoảng 20 cm vừa được trồng thay thế, ước hàng chục ha.
Theo tìm hiểu, Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku được giao quản lý 9.208 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 1.400 ha là đất chưa có rừng và sẽ đưa vào kế hoạch trồng rừng. Năm 2018, công ty này được giao trồng 150 ha rừng. Điểm phóng viên nêu nằm tại tiểu khu 147 (xã Lơ Ku) có diện tích 44 ha, do đơn vị này quản lý.
Nhiều cây gỗ lớn tự nhiên bị đốn hạ để trồng keo lai mà Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku cho là lau, le, cây gỗ nhỏ
Điều đáng nói là Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku khẳng định số diện tích trên được quy hoạch là đất lâm nghiệp, hiện trạng chưa có rừng, chỉ có cây lau, le (?). Vì lý do này, công ty hợp đồng với Công ty TNHH MTV Ngân Sơn để trồng rừng. Trong khoảng 1 tháng qua, trồng được 22 ha, số diện tích còn lại đã có kế hoạch nhưng chưa trồng.
Càng lạ hơn khi ông Trần Văn Trị, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku, cho rằng việc cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ trên diện tích đang trồng keo lai không phải là phá rừng tự nhiên để trồng rừng. "Chắc trong quá trình trồng rừng, có một vài cây gỗ tự nhiên nào mọc lẻ, đứng một mình nên họ chặt luôn để trồng cho sạch!" - ông Trị phân trần.
Ông Trị khẳng định việc đơn vị trồng rừng tự ý chặt cây gỗ tự nhiên là vi phạm hợp đồng. Hiện tại, do chưa nghiệm thu rừng trồng nên không xác định có bao nhiêu cây gỗ tự nhiên bị chặt phá, chưa thể đưa ra biện pháp xử lý do vi phạm hợp đồng được.
Ông Phạm Khắc Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku, cũng khẳng định diện tích trên chủ yếu là lau, le và xen một số cây gỗ nhỏ. "Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị trồng rừng khi trồng phải chừa lại những cây gỗ tự nhiên. Nhưng có khi thấy những cây nhỏ, lại ít nên họ chặt luôn" - ông Hoàng thanh minh. Theo ông Hoàng, để xảy ra việc chặt cây gỗ tự nhiên trên đất trồng rừng, Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku cũng có trách nhiệm trong việc giám sát chưa chặt chẽ.
Liên quan đến vụ việc này, ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, nói sẽ chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp Phòng TN-MT huyện xác minh, kiểm tra để có hướng xử lý.
Phá rừng ngay gần trạm kiểm soát
Cách Trạm kiểm soát cửa rừng Lơ Ku (xã Lơ Ku) khoảng 1 km theo hướng từ UBND xã Lơ Ku ra trung tâm huyện Kbang, rẽ trái đâm xuyên qua khu vực rừng keo lai khoảng 3 km là đến cánh rừng tự nhiên. Theo ghi nhận của phóng viên, nơi đây có hàng chục cây gỗ to vừa bị đốn hạ, trong đó có cây to hơn 3 người ôm, thân dài hàng chục mét. Theo ông Phạm Xuân Trường, khu vực rừng bị đốn hạ thuộc tiểu khu 138 do Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku quản lý. Cách đây khoảng 10 ngày, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku kiểm tra, phát hiện có 3 cây gỗ bị chặt, khối lượng thiệt hại 6,1 m3 gỗ.
Bình luận (0)