Văn bản chỉ đạo trên tưởng chừng "xưa như quả đất" nhưng xem ra nó vẫn còn hữu hiệu đối với tình trạng lừa đảo đang diễn ra ngày càng nhiều ở miền Tây Nam Bộ. Bởi lẽ, thời gian qua, thỉnh thoảng các phương tiện truyền thông lại phản ánh chuyện người dân dính bẫy kẻ lừa thông qua mạng xã hội như: nạp tiền vào tài khoản, giữ hộ thùng hàng có giá trị "triệu đô" từ nước ngoài gửi về,nhận khuyến mãi từ… trên trời rơi xuống, thậm chí người mù cũng bị lừa.
14 bị cáo thành lập đường dây lừa đảo rất nhiều người, trong đó có người ở hội người mù. Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Mới đây, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên tổng cộng 180 năm tù đối với 14 bị cáo trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người trong Hội Người mù tỉnh Bạc Liêu và một số địa phương. Thủ đoạn của các đối tượng này là gọi điện thoại cho nhiều người tự xưng nhân viên, lãnh đạo công ty xổ số kiến thiết muốn giúp đỡ họ tăng thêm thu nhập bằng cách đề nghị hợp tác để đánh sập các thầu đề. Các đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng đã chuẩn bị sẵn, sau đó công ty sẽ cho biết trước kết quả xổ số đánh đề, tiền trúng số sẽ chia đôi hoặc góp vốn thành cổ đông của công ty. Bằng thủ đoạn lừa đảo dễ như… ăn kẹo trên, các đối tượng đã thực hiện trót lọt 20 vụ với số tiền chiếm đoạt lên đến gần 18 tỉ đồng.
Công an quận Cái Răng, TP Cần Thơ cũng vừa bắt quả tang Nguyễn Xuân Lộc (24 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội. Thủ đoạn của gã trai trẻ này là liên hệ với bị hại qua Zalo với nội dung tuyển các nam "chân dài" (đặc biệt là sinh viên) để phục vụ tình dục cho các bà chị lớn tuổi. Khi các bị hại đến khách sạn do Lộc chọn, gã trai này giả dạng nhân viên phục vụ phòng rồi buộc "con mồi" giao tiền, trang sức, điện thoại di động… để mình trông hộ, khi nào "phục vụ các chị xong" sẽ trả lại. Sau đó, Lộc nhanh chân rời khách sạn.
Không chỉ ở đất liền, các đối tượng lừa đảo còn "vươn vòi" ra tận "đảo ngọc" Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) khiến người dân lo lắng. Để giúp người dân tránh xa bẫy lừa đảo, Công an huyện Phú Quốc vừa phát đi thông báo về việc các đối tượng thường xuyên sử dụng những tin nhắn thông báo trúng thưởng gửi đến số điện thoại và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để yêu cầu người nhận được tin nhắn đăng nhập và làm theo hướng dẫn nộp tiền rồi chiếm đoạt tiền tỉ.
Một chuyên gia tâm lý ở miền Tây cho rằng bị hại của những đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội không chỉ là người dân nông thôn ít học, mà có cả sinh viên, cán bộ công chức. Các đối tượng chủ yếu đánh vào sự nhẹ dạ, lòng tham hoặc "có tịch thì rục rịch" của bị hại để ra tay.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, ở đời người ta thường bảo "của biếu là của lo/của cho là của nợ". Vì thế, chẳng ai tự dưng cho không ai bao giờ, trừ trường hợp đó là người thân quen của mình.
Bình luận (0)