xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thắng cảnh quốc gia đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim… lâm nguy

Tin-ảnh: Tuấn Minh

(NLĐO)- Đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim… là những thắng cảnh đẹp nức tiếng ở xứ Thanh tiếp giáp với tỉnh Ninh Bình đang lâm nguy trước việc thị xã Bỉm Sơn xin quy hoạch 3 mỏ khoảng sản nằm trong vùng bảo vệ.

Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Bỉm Sơn gồm: đèo Ba Dội, đường Thiên Lý, động Cửa Buồng, đình làng Gạo, đồi Ông, đền Sòng Sơn - Chín Giếng, đền cây Vải và hồ Cánh Chim, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) xếp hạng là Di tích quốc gia năm 1993. Đây là một quần thể di tích lịch sử, thắng cảnh đẹp nức tiếng của Thanh Hóa.

Thắng cảnh quốc gia đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim… lâm nguy - Ảnh 1.

Quang cảnh thiên nhiên hữu tình đứng trên đèo Ba Dội nhìn về phía Tam Điệp (Ninh Bình) những ngày nắng đẹp

Gần 5 năm chưa lập xong quy hoạch

Theo hồ sơ, ngày 17-3-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản giao UBND thị xã Bỉm Sơn triển khai việc khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích sau khi được Bộ VH-TT-DL đồng ý. Tuy nhiên, sau nhiều năm thị xã Bỉm Sơn vẫn chưa làm xong.

Đến ngày 29-6-2020, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có văn bản yêu cầu UBND thị xã Bỉm Sơn khẩn trương triển khai thực hiện việc lập điều chỉnh khoanh vùng khu di tích lịch sử và thắng cảnh Bỉm Sơn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để quản lý, bảo vệ, đồng thời là căn cứ để UBND tỉnh xem xét, bổ sung các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Thanh Hóa.

Đến tháng 11-2021, tức gần 5 năm trôi qua, thị xã Bỉm Sơn vẫn chưa thực hiện xong việc khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia Bỉm Sơn.

Thắng cảnh quốc gia đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim… lâm nguy - Ảnh 2.

Trên đèo Ba Dội hiện có 1 nhà bia được xây dựng rất đẹp

Đáng nói, dù chưa thực hiện việc khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích, nhưng ngày18-3 và 19-10-2021, Bỉm Sơn lại liên tiếp có các văn bản đề nghị tỉnh Thanh Hóa bổ sung các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.

Trong số 5 mỏ khoáng sản đề nghị bổ sung thì có tới 3 mỏ tại các phường Ba Đình, Bắc Sơn và Lam Sơn nằm trong khu vực bảo vệ của di tích hồ Cánh Chim, đèo Ba Dội và đồi Ông, trong đó một mỏ khoảng sản nằm cả vào khu vực 1 của di tích đồi Ông.

Về sự chậm trễ này, ông Lý Minh Quang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Bỉm Sơn cho biết do khó khăn trong việc lựa chọn nhà tư vấn và nguồn kinh phí. "Từ năm 2017 cho tới giờ, thị xã cũng quyết tâm lắm nhưng vẫn chưa thực hiện được do việc tìm nhà tư vấn rất khó khăn"- ông Quang lý giải.

Thắng cảnh quốc gia đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim… lâm nguy - Ảnh 3.

Bên trong còn lưu giữ tấm bia đá khắc bài thơ của vua Thiệu Trị khi đi kinh lý qua đây năm 1842

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Cụm di tích lịch sử và thắng cảnh Bỉm Sơn, trong đó có đèo Ba Dội không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn về mặt cảnh quan thiên nhiên. Bởi đèo Ba Dội nằm trong vùng "nhất bách lục sơn", tức 106 quả núi điệp trùng, nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Đèo có độ cao hơn 110 m so với mặt nước biển, trên đỉnh đèo có tấm bia đá khắc bài thơ của vua Thiệu Trị khi đi kinh lý qua đây năm 1842.

Theo sử sách, những thập niên đầu của thế kỷ XX, con đường thiên lý Bắc Nam không phải là con đường Quốc lộ 1A qua dốc Xây như hiện nay mà là chạy vòng qua thung lũng ở phía Đông dãy núi trùng điệp, là đèo Ba Dội ngày nay. Đoạn đường thiên lý bấy giờ hiểm trở, có dạng thắt cổ bầu, uốn lượn, len lỏi qua những khe núi vách đá dựng đứng là một địa thế chiến lược vô cùng lợi hại, đó chính là phòng tuyến Ba Dội.

Thắng cảnh quốc gia đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim… lâm nguy - Ảnh 4.

Đứng trên đèo Ba Dội phóng tầm mắt xuống dưới là hồ Cánh Chim (ảnh chụp hôm trời sương mù nên không nhìn rõ hồ)

Từ phòng tuyến này, Quang Trung Nguyễn Huệ đã làm nơi phòng thủ và là bàn đạp thần tốc tiến ra Thăng Long đánh tan quân Thanh, lập nên chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Cũng nơi đây, hơn 200 năm trước nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng đến và để lại bài thơ độc đáo "Đèo Ba Dội".

Mặc dù có giá trị về mặt lịch sử văn hóa lớn, nhưng do chưa được quan tâm đầu tư, đến nay những thắng cảnh này vẫn ở dạng "tiềm năng", rất cần những nhà đầu tư lớn để "đánh thức". Tuy nhiên, khi những di tích như: đèo Ba Dội, đường Thiên Lý, động Cửa Buồng, hồ Cánh Chim… chưa được quan tâm đầu tư thì nó đang có nguy cơ bị ảnh hướng lớn từ việc Bỉm Sơn nhiều lần xin khai thác khoáng sản trên đất danh thắng.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trịnh Tuấn Thành, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn thừa nhận có việc ông trình cấp trên xem xét bổ sung 3 điểm khai thác khoáng sản có chồng lấn vào vùng bảo vệ di tích. Tuy nhiên, theo ông Thành, thị xã mới trình chứ quyết định hay không là do tỉnh.

Thắng cảnh quốc gia đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim… lâm nguy - Ảnh 5.

Phía dưới đèo Ba Dội có một điểm khai thác đất, khoảng sản rất lớn phần nào làm cho quần thể danh thắng này mất đi vẻ đẹp vốn có

"Khi về đây nhận nhiệm vụ, tôi thấy việc này lâu rồi nên mới trình cấp trên nghiên cứu, xem xét chứ là làm gì đâu. Quan điểm của thị xã là phải bảo vệ di tích, bởi Bỉm Sơn rất may mắn có nhiều di tích, thắng cảnh mà không có nơi nào có được, giờ mà lấy là mất luôn nên tinh thần của thị xã, bảo vệ di tích là số 1"- ông Thành quả quyết.

Theo Khoản 1, khoản 2 Điều 28, Luật Khoáng sản 2010, khu vực cấm hoạt động khoáng sản bao gồm: khu vực đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo