Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ một bộ sưu tập độc đáo với rất nhiều bảo vật quốc gia như: trống đồng Cẩm Giang I, vạc đồng Cẩm Thủy, kiếm ngắn núi Nưa… Trong số đó, kiếm ngắn núi Nưa được xem là một bảo vật có một không hai ở nước ta và có niên đại khoảng 2.000 năm.
Kiếm ngắn núi Nưa - bảo vật quốc gia đang được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Đây là thanh kiếm được sưu tầm vào năm 1961, dưới chân núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Năm 2013, thanh kiếm này được công nhận là bảo vật quốc gia.
Kiếm có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã, gồm 2 phần lưỡi và cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền lưỡi kiếm, người phụ nữ đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen; khuôn mặt trái xoan, cằm hơi nhô ra, cặp mắt được thể hiện bằng hai vòng tròn đồng tâm, xung quanh có những chấm nhỏ, thể hiện cặp lông mày dài, cong, sống mũi thẳng, miệng thon nhỏ, tai dài đeo đôi vòng to chấm vai, ngực và tay đeo vòng trang sức.
Phần bụng được thắt một dải rộng như cạp váy, lưng thắt dải bao dài phủ cả đằng trước và sau trên chiếc váy dài trùm hết chân. Thân mặc áo chẽn dài tay, tay áo và thân bó lấy thân làm nổi rõ những đường cong cơ thể. Áo cánh xẻ ngực không cài khuy để lộ vạt yếm kín cổ bên trong… Đây là nét độc đáo riêng của thanh kiếm.
Theo cán bộ Bảo tàng Thanh Hóa, các nhà khoa học đều đánh giá với lối trang phục kín khắp người (áo, váy), được dệt may công phu, đẹp mắt, hoa văn trang trí trên váy và áo là dạng hình học, với những đường vạch ngắn song song, đường tròn đồng tâm đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn. Lối mặc áo yếm này ngày nay vẫn phổ biến trong trang phục của phụ nữ Mường.
Mặt trước của thanh kiếm tượng người độc nhất ở nước ta hiện nay
Nhìn tổng thể hình dáng, trang phục và cách trang sức tượng người phụ nữ trên cán kiếm ngắn Núi Nưa, đối chiếu với một số tượng chuôi kiếm, dao găm khác, có thể khẳng định đây là tượng người phụ nữ có hình thể đẹp, vẻ đẹp quyền quý, thuộc tầng lớp quý tộc hoặc tầng lớp trên giàu có. Việc phổ biến cán dao găm có hình tượng người phụ nữ ở Thanh Hoá chứng tỏ chế độ mẫu hệ trong khoảng trước và những năm đầu thế kỷ III sau công nguyên còn rất phổ biến tại đây, phản ánh vai trò và vị trí người phụ nữ vẫn được đề cao.
Được sưu tầm ở chân núi Nưa, nơi Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) từng đấy binh đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô, nên có nhiều giả thiết cho rằng hình tượng người phụ nữ trên thanh kiếm ngắn núi Nưa chính là nguyên mẫu Bà Triệu. Theo TS sử học Lê Ngọc Tạo, Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử Thanh Hóa, việc dân gian liên tưởng, gắn kiếm ngắn núi Nưa với Bà Triệu chưa có căn cứ khoa học xác đáng. Tuy nhiên, căn cứ vào niên đại của thanh kiếm, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ quyền uy trên chuôi kiếm cùng với lòng tôn kính của người dân với Bà Triệu thì sự liên tưởng đó là hoàn toàn dễ hiểu.
Mặt sau của Kiếm ngắn núi Nưa
Kiếm ngắn núi Nưa còn tương đối nguyên vẹn, có sứt một miếng nhỏ ở mũi kiếm. Kiếm được làm bằng đồng, theo thời gian kiếm phủ lớp patin màu xanh xám. Nét độc đáo của thanh kiếm này ở chỗ đến thời điểm hiện tại, ở nước ta chưa phát hiện được ở nơi nào có chiếc kiếm ngắn, cán thể hiện hình tượng người phụ nữ uy quyền với dáng và trang phục đẹp như chiếc kiếm ngắn Núi Nưa.
Năm 248, Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa ở vùng núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Đông đảo nhân dân khắp hai quận Cửu Chân, Giao Chỉ (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) nổi dậy hưởng ứng. Bà Triệu đã chỉ huy nghĩa quân đánh thắng nhiều trận, quân Ngô tan rã.
Bọn quan lại thống trị từ Thứ sử Giao Châu trở xuống đến các huyện lệnh đều bị giết hoặc chạy trốn. Cả Giao Châu chấn động. Nhà Ngô phải cử tướng Lục Dận đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Nghĩa quân đã chiến đấu anh dũng, kiên cường nhưng vì lực lượng quân sự còn yếu nên đã thất bại. Bà Triệu tuẫn tiết trên núi Tùng (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Trên núi Tùng hiện có mộ Bà Triệu và dưới chân núi Tùng là Đền thờ chính của Bà Triệu, cạnh quốc lộ số 1, thuộc thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.
Bình luận (0)