Năm năm trước, chúng tôi đã gặp người lính quả cảm Triệu Văn Điện thuở nào tại trụ sở Công an tỉnh Lạng Sơn. Khi ấy, ông là đại tá, Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ông đã cùng đồng đội phá vòng vây quân Trung Quốc (TQ) ở Đồng Đăng (nay thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) để đưa những người dân còn mắc kẹt khi chiến sự nổ ra về tuyến sau an toàn.
"Đại ca"
Ông Điện là người dân tộc Nùng, sinh ngày 26-2-1959. Trong vai trò chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn lúc còn rất trẻ hay sau này chuyển sang lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, ông luôn khiến các tên tội phạm khét tiếng run rẩy, kinh sợ khi nghe nhắc đến tên.
Thế nhưng, ông Điện là người dễ gần, hay pha trò và luôn nở nụ cười trên môi. "Nhiều người thường gọi mình là "đại ca" Điện" - ông nửa đùa nửa thật.
Mới đây, gặp lại chúng tôi, ông Điện cho biết đã nhận sổ hưu. "Cả cuộc đời chiến đấu, công tác, nay là lúc dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và đồng đội. Giờ đây, vợ và mấy đứa cháu nội ngoại là sếp của mình" - ông lại hóm hỉnh.
Tốt nghiệp THPT năm 1978, chàng thanh niên Triệu Văn Điện tình nguyện viết đơn xung phong đi bộ đội. Tuy nhiên, khi nhận quyết định, ông được điều về lực lượng cảnh sát dã chiến. Trong quá trình 3 tháng huấn luyện ở Trường Công an Cao Lạng, ông là tay súng trung liên xuất sắc nhất của tiểu đoàn với 700 người.
Sau 3 tháng, ông Điện được cấp trên giao sử dụng chính khẩu súng trung liên khi huấn luyện để ra bảo vệ biên giới. "Khẩu súng này tôi sử dụng trong tháng 2-1979, hiện được lưu giữ ở bảo tàng của Bộ Công an tại Hà Nội" - đại tá Điện tự hào.
Tháng 1-1979, ông Điện được cử về Đại đội 1 Công an vũ trang thuộc Công an tỉnh Lạng Sơn. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông tham gia ở mặt trận Đồng Đăng. Tại hang động Đền Mẫu ở khu vực này, ông Điện đã cùng đồng đội ngoan cường chống trả quân TQ mà không để đối phương phát hiện.
"Chúng tôi như được che chở để không bị lộ trong hang này" - cựu binh Nguyễn Văn Bình, người chiến đấu bên ông Triệu Văn Điện thời điểm đó, cho biết.
Khi đó, trong hang Đền Mẫu có hơn 400 người dân chưa kịp sơ tán đang trú ẩn. Biết không thể giữ bí mật nơi trú ẩn này lâu và nếu quân TQ phát hiện thì tất cả sẽ không còn cơ hội sống sót, ông Điện và đồng đội ngừng bắn để đối phương tưởng hỏa lực đã bị tiêu diệt, không tấn công nữa, nhằm bảo đảm an toàn cho hàng trăm người dân.
Đại tá - Anh hùng Triệu Văn Điện (phải) kể lại với phóng viên Báo Người Lao Động về cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc năm 1979. Ảnh: MẠNH DUY
Khắc khoải
Với sự dẫn đường của ông Bình, ông Điện cùng đồng đội đưa hơn 400 người dân thoát khỏi hang Đền Mẫu, rời thị trấn Đồng Đăng, đi men theo bờ suối di chuyển về phía huyện Văn Quan. Tuy nhiên, khi đến xã Hồng Phong thì họ rơi vào ổ phục kích của quân TQ, một số người bị thương. Cả đoàn lại ẩn náu vào một núi đá quanh đó.
Tiếp tục cuộc hành trình, trưa 20-2-1979, ông Điện cùng đồng đội cõng thương binh, dìu những người bị thương đi đường tắt ra được đến cầu Khánh Khê. Ở đây có một trạm y tế tạm thời của bộ đội.
"Tại đây, tôi gặp đại tá Đào Đình Bảng, Giám đốc Ty Công an Lạng Sơn khi ấy. Thấy người lính của mình lưng trần, trên người chỉ còn mặc chiếc quần đùi và đang cõng, dìu các chiến sĩ bị thương từ khu bị bao vây ở Đồng Đăng ra đến hậu cứ an toàn, ông đã rất xúc động và ôm chầm lấy tôi" - đại tá Điện nhớ lại.
Ông Điện cho biết trong những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới ở Đồng Đăng, đối phương đông hơn ta gấp bội. Tuy nhiên, do có chiến thuật hợp lý nên dù bị bao vây tứ phía, ông và đồng đội vẫn chống trả hiệu quả.
"Khi tấn công vào pháo đài Đồng Đăng, lính TQ nghĩ phía sau chỉ còn toàn là quân của họ. Lúc đó, chúng tôi vẫn ở trong hang Đền Mẫu. Các anh Bình, Kiểm, Tân bên quân đội hướng dẫn chúng tôi cách chống trả để đối phương không phát hiện được hỏa lực của mình ở đâu. Nhờ thế, sự tấn công của quân TQ đã giảm đến 80%" - ông hồi tưởng.
Chiến công của ông Triệu Văn Điện đã được ghi nhận một cách xứng đáng. Ngay sau khi TQ rút quân, ngày 25-3-1979, ông Điện là một trong 400 đại biểu thanh niên xuất sắc, chiến đấu anh dũng được về Hà Nội nhận huy hiệu "Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc" do Trung ương Đoàn trao tặng. Tiếp sau đó, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì và ngày 19-3-1980, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lúc 21 tuổi.
40 năm sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, khi đề cập những tháng ngày oanh liệt thuở nào, đại tá Triệu Văn Điện vẫn kiệm lời. Ông chỉ luôn nhắc về sự hy sinh, mất mát của đồng đội và bày tỏ mong muốn làm sao họ được tri ân một cách xứng đáng.
"Trong ngày 17-2-1979, đại đội của tôi hy sinh 13 người, riêng tiểu đội tôi có 4 người. Khi trên đường đưa người dân rút ra hậu cứ ở khu Văn Quan, chúng tôi lại bị đối phương phục kích, hy sinh thêm vài người nữa…" - ông Điện khắc khoải.
Day dứt
Điều nhắc nhớ và luôn khiến đại tá Triệu Văn Điện day dứt chính là hình ảnh nhiều đồng đội của ông đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc nhưng mãi đến 40 năm sau cuộc chiến 1979, hài cốt của họ vẫn chưa được tìm thấy.
Ông Điện có tâm trạng ấy một phần vì người anh cả của ông - liệt sĩ Triệu Thành Loan, nhập ngũ năm 1966, hy sinh năm 1970 tại chiến trường miền Nam - đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. "Dù rất nhiều lần tổ chức tìm kiếm ở các nghĩa trang lớn và mong ngóng tin tức với nỗi niềm đau đáu nhưng đến giờ, gia đình vẫn chưa có manh mối gì về anh ấy" - ông bùi ngùi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-2
Kỳ tới: Ký ức bi hùng
Bình luận (0)