Mùng 3 Tết năm nay, tức ngày 7-2, ông Hoàng Như Lý - vốn là chuẩn úy, trinh sát Đồn Biên phòng (ĐBP) Pò Hèn năm nào; hiện sống tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - gọi điện thoại cho chúng tôi: "17-2 này là tròn 40 năm, các con cố gắng lên thắp hương tưởng nhớ, tri ân các bác, các chú ở Pò Hèn nhé".
Không cân sức
Chúng tôi đã cùng cựu binh Hoàng Như Lý trở lại ĐBP Pò Hèn (tức Đồn 209). Hôm ấy, bên đài tưởng niệm liệt sĩ, nơi có các đồng đội ông đang an nghỉ, người cựu binh đã kể với chúng tôi về cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới Tổ quốc 40 năm trước.
Cựu binh Hoàng Như Lý bên tấm bia tưởng niệm đồng đội hy sinh 40 năm trước
ĐBP Pò Hèn thành lập năm 1959, khi lực lượng công an vũ trang - tiền thân của Bộ đội Biên phòng ngày nay - ra đời. ĐBP Pò Hèn phụ trách đoạn biên giới Việt - Trung qua 2 thôn Pò Hèn và Thán Phún, xã Hải Sơn, TP Móng Cái ngày nay.
Tượng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm tại Trường THCS Bình Ngọc (Móng Cái, Quảng Ninh) Ảnh: VĂN DUẨN
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, sáng 17-2-1979, quân Trung Quốc (TQ) bao vây, tấn công dữ dội nhiều đợt vào ĐBP Pò Hèn. Ông Lý là một trong những cựu binh còn sống sót trong trận chiến đấu ác liệt năm xưa.
"Chiều thứ sáu, 16-2-1979, biên giới vẫn yên ả. Khi ấy, anh em còn tập luyện bóng chuyền để sáng hôm sau thi đấu giao lưu với Lâm trường Hải Ninh. Vậy nhưng, khoảng hơn 5 giờ hôm sau, anh Nhặt cấp dưỡng của đơn vị dậy sớm nấu cơm bỗng thấy ánh sáng lập lòe di chuyển phía hàng rào. Quân TQ đã tràn tới, pháo nã dồn dập vào ngọn đồi nơi đơn vị đóng quân" - ông Lý nhớ lại.
Ngay loạt pháo kích đầu tiên ấy, một số chiến sĩ ĐBP Pò Hèn đã hy sinh. Dù bị thương nặng nhưng trung úy đồn phó Đỗ Sĩ Họa và chính trị viên Phạm Xuân Tảo vẫn chỉ huy đơn vị kiên cường chiến đấu bảo vệ đồn, chống lại cuộc tấn công của quân TQ.
Ông Lý cho biết 2 vị chỉ huy ĐBP Pò Hèn đã chạy dọc chiến hào kiểm tra tình hình và động viên, khích lệ các chiến sĩ. Vì vậy, dù chỉ có chưa đến 50 cán bộ, chiến sĩ nhưng ĐBP Pò Hèn đã đánh lui hàng chục đợt tấn công của một tiểu đoàn quân TQ có pháo, súng cối và xe tăng yểm trợ trong suốt 7 giờ.
"Đồn phó Đỗ Sĩ Họa dù bị thương nặng nhưng vẫn quyết tâm ở lại cùng đồng đội cho đến lúc hy sinh. Các chiến sĩ vô cùng xúc động, noi gương người chỉ huy, ngoan cường chiến đấu giữ vững trận địa" - ông Lý cảm khái.
Trận chiến đấu không cân sức diễn ra rất ác liệt, quân TQ ngày càng tiến sát chiến hào của ĐBP Pò Hèn. Đồn phó Đỗ Sĩ Họa cùng nhiều chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Nữ anh hùng
Cũng như đồn phó Đỗ Sĩ Họa, hình ảnh chiến đấu ngoan cường đến giây phút hy sinh của nữ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của các chiến sĩ biên phòng, công an vũ trang và người dân vùng biên cương Tổ quốc năm ấy.
Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm sinh năm 1954 tại phường Bình Ngọc, TP Móng Cái. Từng tham gia chống Mỹ, sau khi đất nước thống nhất, chị về làm nhân viên thương nghiệp của một cửa hàng bách hóa dưới chân núi Pò Hèn.
Cựu binh Hoàng Như Lý cho biết chiều tối 16-2-1979, chị Chiêm thu dọn tài sản của cửa hàng để cất giấu nơi khác vì khu vực Pò Hèn được cho là sẽ bị quân TQ tấn công, dù chưa biết khi nào. Vì chưa dọn hết hàng hóa nên chị Chiêm cùng các anh Định, Vượng (cửa hàng trưởng) và anh Thắng, Chủ tịch UBND xã Hải Hà, ở lại để hôm sau tiếp tục sơ tán nốt.
Thế nhưng, mờ sáng17-2, hàng loạt đạn pháo của quân TQ đã bắn dồn dập vào khu vực Pò Hèn. Chị Chiêm định chạy ra bên ngoài xem có bị thiệt hại gì không thì đã thấy quân TQ lố nhố áp sát cửa hàng. Chị liền chạy vào trong nói với các anh Vượng, Định, Thắng phải làm sao thoát được ra ngoài. Sau khi bàn bạc, họ phá vòng vây chạy lên đồi - nơi có trận địa chốt của ĐBP Pò Hèn.
Chị Chiêm là người yêu của anh Bùi Văn Lượng, chiến sĩ ĐBP Pò Hèn. Lên đến nơi, gặp đồn phó Đỗ Sĩ Họa, chị Chiêm đề nghị: "Quân TQ tấn công rồi, em lên đây xin được các anh giao nhiệm vụ".
Đồn phó Đỗ Sĩ Họa đã giao cho chị Chiêm đi tiếp đạn và làm nhiệm vụ băng bó vết thương cho chiến sĩ cũng như đưa những người bị thương về nơi trú ẩn. Hoàn thành những việc do đồn phó ĐBP Pò Hèn giao, chị Chiêm cầm súng trực tiếp xuống một đoạn giao thông hào chiến đấu cùng các chiến sĩ.
Sau một loạt đạn pháo của quân TQ dội vào trận địa, chị Chiêm bị thương ở tay. Khi các chiến sĩ đến băng bó vết thương và yêu cầu rút về hầm trú ẩn, chị dứt khoát từ chối.
"Cuộc chiến đấu mỗi lúc càng ác liệt hơn. Đồn phó, chính trị viên và nhiều chiến sĩ ĐBP Pò Hèn lần lượt hy sinh. Thượng sĩ Hoàng Tiến Cờ phải đứng lên chỉ huy đơn vị" - ông Lý hồi tưởng.
Quân TQ với số lượng áp đảo tiếp tục xông lên. Thượng sĩ Cờ kêu gọi các chiến sĩ ĐBP Pò Hèn quyết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của biên cương Tổ quốc. Đạn hết, sau khi lao ra khỏi giao thông hào đánh giáp lá cà, các chiến sĩ tiếp tục ngã xuống…
Trong trận chiến đấu diễn ra sáng 17-2-1979, 45 cán bộ, chiến sĩ ĐBP Pò Hèn đã giành giật từng tấc đất, từng mét giao thông hào để bảo vệ đồn và anh dũng hy sinh. "Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm cũng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ biên cương Tổ quốc" - cựu binh Hoàng Như Lý xúc động hồi ức.
Kỳ tới: Anh hùng tuổi 20
Bình luận (0)