Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam nhưng đưa ra mức dự báo tăng trưởng thấp hơn mức 5% của Chính phủ Việt Nam đặt ra. Dù vậy, Việt Nam vẫn là một hình mẫu thành công nhất trong đại dịch Covid-19, trang tin này nhìn nhận. Việt Nam đã hành động thông qua sự kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn. Nền kinh tế Việt Nam được dự kiến sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2020, theo dự báo mới nhất của WB và IMF.
Công việc tất bật tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM - nơi liên tục sáng đèn 24/24 giờ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp - Ảnh: ANH THƯ
Nhờ khống chế dịch thành công, nền kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ việc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại và đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài khi nhiều công ty của châu Âu và Bắc Mỹ đang có xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ngoài thành tựu chống Covid-19, sức hút của Việt Nam còn gia tăng sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Đó là những thông tin mang tính lạc quan, khích lệ mạnh mẽ cho những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam, doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ đánh giá việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới có nhiều điểm sáng. Chúng ta đã ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và mạnh, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế cả trong phòng chống dịch Covid-19 và sự an toàn của nền kinh tế...
Tuy nhiên, nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, không thể chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", kiểm soát tốt dịch Covid-19; thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2020. Tận dụng thời cơ đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại từng ngành, từng lĩnh vực; đổi mới cách làm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương...
Thời gian qua, những chương trình lớn đã được đẩy mạnh như "Du lịch Việt Nam an toàn", "người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình kích cầu du lịch nội địa, các hoạt động hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu gạo "lội ngược dòng", không chỉ tăng mạnh về lượng từ đầu tháng 5 mà giá xuất khẩu gạo của Việt Nam còn bật tăng cao, tạo đà để kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2020 đạt mục tiêu 3,9 tỉ USD.
Trong bảng xếp hạng "sức khỏe" tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn, đủ khỏe mạnh để vượt qua đại dịch.
Thành tựu nào cũng đều đáng mừng và càng phải chắt chiu cơ hội, nỗ lực nhiều hơn nữa, luôn cảnh giác phòng chống dịch.
Bình luận (0)