Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh... đều được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền chăm sóc bảo vệ rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ) từ Nghị định 75 của Chính phủ. Tuy nhiên, từ khi chính sách này ra đời, người dân các địa phương chưa được nhận đủ số tiền được hưởng là 400.000 đồng/ha/năm theo quy định.
Ông Hà Văn Măng, trưởng bản Phe (xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn), cho biết ông được giao 4 ha rừng sản xuất để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh. Thế nhưng, kể từ ngày nhận giao khoán, gia đình ông chưa bao giờ được nhận đủ 400.000 đồng/ha. "Năm 2017 gia đình tôi và người dân trong xã được nhận 263.000 đồng/ha, còn năm 2018 và 2019 số tiền được nhận lại còn thấp hơn, có 151.000 đồng/ha. Tôi và bà con có thắc mắc thì lãnh đạo huyện nói trung ương và tỉnh hỗ trợ có vậy thôi" - ông Măng nói.
Điều khiến bà con thắc mắc là số tiền hỗ trợ 263.000 đồng/ha/năm đã quá thấp, thiệt thòi cho người dân ở vùng miền núi đang còn nhiều khó khăn, chủ yếu sống dựa vào rừng, thì năm 2018 và 2019, người dân nhận được thông báo số tiền được hỗ trợ tụt xuống còn 151.000 đồng/ha/năm.
Rừng phòng hộ thuộc khu vực biên giới xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn - nơi người dân được thụ hưởng chính sách chăm sóc bảo vệ theo Nghị định 75 của Chính phủ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hà Văn Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, nói việc người dân phản ánh họ được thụ hưởng tiền hỗ trợ bảo vệ rừng thấp hơn so với quy định của Nghị định 75 là đúng thực tế. "Quy định là 400.000 đồng/ha, tuy nhiên thực tế khi chi trả đã không đáp ứng được. Chúng tôi không "ăn chặn" hay giấu đi đâu cả, người dân có hỏi, ý kiến, huyện cũng có hỏi tỉnh thì được biết trung ương hỗ trợ bao nhiêu thì tỉnh chi bấy nhiêu" - ông Toản thông tin. Cũng theo ông Toản, trong quá trình phân bổ tiền chi trả, tỉnh chỉ thông báo số tiền được hưởng theo từng năm, còn số tiền thiếu sẽ cấp bù hay xử lý thế nào cũng không thấy được nhắc tới.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện địa phương này đang có 7 huyện miền núi được thụ hưởng chính sách của Nghị định 75, với tổng diện tích là 210.160 ha. Tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch chi trả cho 3 năm với số tiền được trung ương cấp trên 34 tỉ đồng. Ông Phạm Chí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa), cho biết thực hiện theo nghị định, sở có xây dựng kế hoạch chi trả là 400.000 đồng/ha, tuy nhiên nguồn hỗ trợ của trung ương trong 3 năm có 34,115 tỉ đồng, sau khi cân đối với diện tích rừng được thụ hưởng thì mỗi hecta chỉ được hưởng có 151.000 đồng. "Chính sách đưa ra 400.000 đồng nhưng bây giờ tiền chỉ có vậy thì cấp thế thôi, nếu như tỉnh nào có tiềm lực thì có thể bổ sung vào, còn Thanh Hóa không có nguồn lực nên phải báo cáo trung ương để cân đối" - ông Dũng nói.
Để giải quyết vụ việc, mới đây, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan, xem xét tổng hợp báo cáo Thủ tướng phê duyệt bổ sung ngân sách để Thanh Hóa thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp đã đề ra.
Chi trả thiếu cả tiền bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a
Ngoài thực hiện chi trả công chăm sóc bảo vệ rừng theo Nghị định 75, người dân ở các huyện nghèo nhất nước của Thanh Hóa còn được thụ hưởng 200.000 đồng/ha/năm tiền bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a. Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, chỉ duy nhất năm 2012, người dân được hưởng đủ 200.000 đồng, còn các năm tiếp theo đều thấp hơn quy định: năm 2017 chỉ được hưởng 129.000 đồng/ha, năm 2018 và 2019 được hưởng 151.000 đồng/ha.
Bình luận (0)