Ngày 27-3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh khẩn trương hoàn tất hồ sơ vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại lâm phận Lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại) quản lý, để chuyển giao cho công an huyện này khởi tố vụ án.
Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ và vận chuyển đi nơi khác
Rừng tự nhiên thuộc lâm phận Lâm trường Trường Sơn, (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) nằm vắt từ Đông qua Tây dãy Trường Sơn với diện tích 32.000 ha. Đây là nơi lưu trữ và bảo tồn các nguồn gien quý về gỗ, là "thánh địa" của nhiều loài cây như lim, táu, gụ, hương… Theo ghi nhận của phóng viên, điểm rừng đầu tiên có nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ chỉ nằm cách Trạm Bảo vệ rừng Trường Sơn chừng 3 km, trên nhánh Tây đường Hồ Chí Minh (đoạn gần cầu Zìn Zìn). Tại hiện trường, một cây gõ lớn còn trơ lại gốc, có đường kính khoảng 90 cm. Cách đó chừng 200 m, 2 cây lim cổ thụ vừa bị hạ còn nguyên vệt máy cưa. Khu vực này có đến hơn 30 cây gỗ lớn, có đường kính trên dưới 1 m bị hạ.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh, chỉ riêng Tiểu khu 329, trong quá trình tuần tra, lực lượng của đơn vị này đã phát hiện và kiểm đếm ban đầu tới 45 cây gỗ quý bị đốn, trong đó có 26 cây gỗ lim, 17 cây gõ và 2 cây gỗ chua. Tang vật mà lâm tặc để lại là 45 khúc gỗ - hơn 16 m3, riêng gỗ lim là 13,6 m3. Trong quá trình tuần tra, kiểm lâm huyện Quảng Ninh cũng phát hiện gần đó cất giấu 67 hộp gỗ lim và gõ với gần 5 m3. "Một số cây có dấu vết rất mới, chứng tỏ lâm tặc khai thác chưa lâu. Chúng tôi nhận định là vào dịp Tết, khoảng gần 3 tháng trước" - cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh nói.
Trong khi đó, ông Ngô Như Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại, cho hay khu vực rừng gỗ lim bị chặt phá nằm trong rừng sản xuất trồng cây keo lai. Ông thừa nhận khu vực rừng bị phá nằm rất gần với Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng của Lâm trường Trường Sơn và đơn vị này có sự chậm trễ trong việc tuần tra, bảo vệ.
"Rừng ở Tiểu khu 329, lâm phận Lâm trường Trường Sơn là rừng giàu lâm sản. Điều đáng nói là thời điểm rừng bị phá, không chỉ lực lượng của Trạm Bảo vệ rừng Trường Sơn được phân công nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát mà còn có lực lượng kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh" - ông Khoa cho biết.
Theo ông Khoa, với tư cách là chủ rừng, phía Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại đã nhận trách nhiệm. Còn về việc lâm tặc là những đối tượng nào, trạm bảo vệ rừng, chủ rừng có móc nối, cấu kết với các đối tượng phá rừng hay không thì cơ quan công an đang vào cuộc điều tra, sau khi có kết luận sẽ xử lý.
Rừng liên tiếp bị phá
Đầu tháng 3-2019, vụ phá rừng quy mô lớn với hơn 100 m3 bị phát hiện tại vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) gây xôn xao dư luận. Điểm rừng bị chặt phá chỉ nằm cách Đồn Biên phòng Cồn Roàng chừng 1 km. Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình kiến nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm về vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan quản lý và bảo vệ rừng như VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, lực lượng Bộ đội Biên phòng, chính quyền xã...
Bình luận (0)