Việc mở cửa du lịch trở lại đang là mong mỏi không chỉ ngành du lịch Thanh Hóa mà của chính du khách, bởi gần 6 tháng qua, hoạt động du lịch rơi vào trạng thái "đóng băng". Dù dịch bệnh dần được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, buộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa phải nghiên cứu các giải pháp phục hồi du lịch một cách bài bản, phù hợp. Trong đó, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu để sớm đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường mới.
Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
Thiệt hại nặng nề
Theo thống kê của Sở VH-TT-DL, lượng khách đến Thanh Hóa trong 9 tháng năm 2021 giảm mạnh. Cụ thể, tổng lượt khách ước đạt 3,1 triệu lượt (giảm 51,5% so với cùng kỳ năm 2020), đạt 26,9% kế hoạch; tổng thu du lịch đạt 4.617,94 tỉ đồng (giảm 46,4% so với cùng kỳ), đạt 20,2% kế hoạch.
Dịch bùng phát cũng tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp lữ hành và 16 cơ sở lưu trú du lịch đăng ký tạm dừng hoạt động; còn lại đa phần các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng. Các đơn vị kinh doanh lĩnh vực lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch đạt doanh thu thấp; lĩnh vực lữ hành không có doanh thu, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động nên khó khăn trong việc trả lãi suất ngân hàng, nộp thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê mặt bằng, chi phí điện nước, đóng bảo hiểm xã hội, trả lương nhân viên…
Trước thực trạng đó, để "phá băng", Thanh Hóa đang tập trung triển khai, đề xuất nhiều giải pháp để sớm khôi phục lại hoạt động du lịch. Điển hình như Hội nghị kích cầu du lịch Thanh Hóa tại Hà Nội; đề xuất chủ trương tổ chức Lễ phát động "Tôi yêu Thanh Hóa"; ban hành Kế hoạch liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh miền Trung là Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình. Cùng với đó, phối hợp với MobiFone Thanh Hóa phát triển du lịch Thanh Hóa thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh.
Tại hội nghị trực tuyến với Tổng cục Du lịch ngày 7-10 vừa qua, để chuẩn bị cho việc khôi phục hoạt động trở lại, nhiều ý kiến cho rằng Thanh Hóa cần tập trung đề xuất những giải pháp khởi động hoạt động du lịch trong bối cảnh "bình thường mới" như: Xây dựng lộ trình liên kết với các địa phương lân cận, các thị trường khách trọng điểm như Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An; dành nguồn lực cho công tác truyền thông, quảng bá du lịch Thanh Hóa đảm bảo hiệu quả nhất; xây dựng các điểm đến an toàn để xây dựng liên kết với các địa phương khác… hướng tới xây dựng hành lang điểm đến an toàn để dần mở cửa du lịch nội địa.
Một góc bãi biển Sầm Sơn
Nhiều trải nghiệm thú vị
Mặc dù được công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 2011, thế nhưng Thành Nhà Hồ - một công trình bằng đá đồ sộ, độc đáo ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) vẫn chưa thu hút được du khách. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 đến nay khiến du khách tới Thành Nhà Hồ giảm sâu. Để thích ứng với tình hình mới, nhằm quảng bá di sản gần hơn tới du khách, từ năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã triển khai xây dựng chương trình tham quan tự động 3D.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Truyền thông và Khai thác dịch vụ du lịch - Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, cho biết khi tới tham quan Thành Nhà Hồ, du khách có thể truy cập để xem ứng dụng này tại địa chỉ webite: http://thanhnhaho.vn . Khi truy cập địa chỉ nói trên, màn hình sẽ hiển thị các địa điểm du lịch, các di tích lịch sử, nơi tham quan, khách sạn, nhà hàng ẩm thực...
"Du khách có thể thông qua ứng dụng để khám phá du lịch, các địa điểm dịch vụ, đặt chỗ, đặt phòng khách sạn, tour du lịch... Điều thú vị là người dùng có thể trải nghiệm và khám phá các địa điểm bằng công nghệ ảnh 360 độ, người xem có thể tương tác rất sống động như chọn vị trí, phóng to, thu nhỏ, xoay góc, quay 360 độ... Cùng với các hình ảnh mô tả địa điểm du lịch sẽ có các clip và âm thanh thuyết minh sinh động đi kèm"- ông Long cho biết.
Không chỉ Thành Nhà Hồ mà các điểm du lịch có tiếng ở Thanh Hóa như Lam Kinh, Pù Luông, Sầm Sơn… cũng đã đưa hệ thống tham quan du lịch 3D và thuyết minh tự động vào vận hành.
Vườn quốc gia Bến En nhìn từ trên cao
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích Lam Kinh, cho biết không gian tham quan 3D và thuyết minh điện tử tự động được xem là kênh quảng bá hình ảnh di tích vô cùng hiệu quả. "Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và dự báo còn kéo dài, việc đưa các ứng dụng công nghệ trên vào vận hành thực sự rất hiệu quả. Hiện Lam Kinh đang triển khai ứng dụng trên với 2 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh). Du khách chỉ cần truy cập vào địa chỉ "ditichlamkinh.vn" và vào "Tham quan 3D", toàn bộ thông tin, hình ảnh về Lam Kinh sẽ hiện ra trước mắt"- ông Sỹ thông tin.
Mở cửa linh hoạt, thích ứng với tình hình mới
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, cho biết trước diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19, khả năng hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển du lịch đã đề ra sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ ngành liên quan và ngành du lịch liên tục điều chỉnh phương án, kịch bản phòng, chống dịch và đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để duy trì sự phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng trong "tình hình mới", như: Chiến lược "hộ chiếu" vắc-xin, hướng đến miễn dịch cộng đồng; đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa với việc hình thành các liên minh kích cầu du lịch, với các sản phẩm dịch vụ ưu đãi, chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch.
"Với sự nỗ lực của Chính phủ, vào cuộc của các cấp, ngành, chúng ta hoàn toàn hy vọng du lịch sẽ hạn chế được tổn thất, đạt được các mục tiêu đề ra"- ông Hồng kỳ vọng.
Cũng theo Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, trước yêu cầu phát triển du lịch trong trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế - xã hội, Sở đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa lộ trình "mở cửa" hoạt động du lịch từng bước, theo tiêu chí "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn", trước hết là phục vụ khách du lịch nội tỉnh với các "điểm xanh", tiếp đến là khách du lịch nội địa đến từ các "vùng xanh"; tiến tới mở ra đón khách du lịch trong nước và quốc tế khi đạt được "miễn dịch cộng đồng" với độ bao phủ của vắc-xin phòng Covid-19 trong cả nước và trên thế giới.
Mùa vàng ở điểm du lịch Pù Luông
"Hiện sở đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Phối hợp với ngành y tế và các đơn vị liên quan xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch trên địa bàn. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch, trong đó tập trung hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký mã QR trong việc khai báo y tế, quản lý khách; ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường trong việc giới thiệu quảng bá các khu, điểm du lịch; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, giao dịch online; giới thiệu, chào bán dịch vụ trên môi trường mạng"- ông Hồng chia sẻ.
Bình luận (0)