Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn mới đây đã ký văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị cho phép tỉnh Thanh Hóa được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc Sở.
Thanh Hóa cho rằng địa phương là tỉnh có quy mô diện tích và dân số lớn, khối lượng công việc nhiều nên cần tạo điều kiện tăng thêm cấp phó để giúp giám đốc sở chỉ đạo điều hành, bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ được giao
Báo cáo gửi Bộ Nội vụ nêu rõ Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị là dấu mốc lịch sử trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa, là thời cơ, vận hội mới để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững.
Để thực hiện mục tiêu như Nghị quyết 58 đã đề ra, ngày 3-2-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW, trong đó giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa và các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép tỉnh Thanh Hóa thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa.
Căn cứ nhiệm vụ được Chính phủ giao và ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 376/BNV-TCBC ngày 6-2-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy cho tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, cho phép tỉnh Thanh Hóa được tăng thêm không quá 10 Phó giám đốc Sở, ngoài tổng số lượng Phó giám đốc Sở theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14-9-2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014 như đối với Hà Nội và TP HCM.
Những năm qua, Thanh Hóa đã thực sự chuyển mình, trở thành một trong những tỉnh phát triển nhanh, có nền kinh tế lớn thuộc tốp đầu cả nước
Văn bản cũng cho biết theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14-9-2020 của Chính phủ, bình quân mỗi sở có 3 Phó giám đốc, trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1133/QĐ-UBND ngày 7-4-2021 quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, cơ quan ngang sở thuộc UBND tỉnh với tổng số lượng không vượt quá 57 Phó Giám đốc sở (đảm bảo quy định bình quân mỗi sở có 3 Phó giám đốc).
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, quy định trên áp dụng chung cho các đơn vị hành chính cấp tỉnh (loại I, loại II, loại III) trên toàn quốc; trong khi đó Thanh Hóa là tỉnh có quy mô diện tích và dân số lớn, nhưng số lượng Phó Giám đốc các sở theo quy định của Chính phủ cũng bằng với một tỉnh có quy mô dân số và diện tích chỉ bằng 1/3, 1/4 của tỉnh, không có rừng, không có biển hoặc chỉ có biển mà không có rừng, như vậy là chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Mặt khác, với mục tiêu và tầm nhìn đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị, thì khối lượng công việc xử lý rất lớn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Giám đốc sở) rất nặng nề, nhất là đối với các đơn vị mang tính tổng hợp, theo dõi, quản lý các ngành, lĩnh vực như sở: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Văn hóa, thể thao và du lịch; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ...
Khu kinh tế Nghi Sơn, khu kinh tế trọng điểm của Thanh Hóa và cả nước
Do đó, đặt ra vấn đề cần tăng thêm số lượng Phó giám đốc sở so với quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14-9-2020 của Chính phủ để giúp Giám đốc sở chỉ đạo điều hành, bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước trong tình hình mới hiện nay.
Bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch cán bộ, lớp cán bộ trẻ hiện nay là những người có năng lực, được đào tạo bài bản, đã có đủ thời gian công tác để tích lũy kinh nghiệm, rất cần được phát huy tư duy làm việc sáng tạo, khoa học, tạo ra những đột phá lớn trong tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ.
Bình luận (0)