Bà T.T.N. - chủ một quán trà sữa trên đường Trần Hưng Đạo, phường Dương Đông, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - không giấu nỗi bức xúc vì bị khách hàng là một thanh niên đi ôtô lừa mất 400.000 đồng mua trà sữa bằng sao kê chuyển khoản giả.
Hình ảnh màn hình sao kê chuyển khoản có nội dung sai chính tả nghi bị làm giả
Theo trình bày của bà N., chiều 19-2, một thanh niên đi ôtô 4 chỗ biển số tỉnh Trà Vinh ghé quán bà mua 10 ly trà sữa với tổng số tiền 400.000 đồng. Người này chọn thanh toán bằng hình thức chuyển khoản và chụp màn hình sao kê chuyển khoản thành trên điện thoại đưa cho bà xem.
"Mặc dù tài khoản chưa báo tiền vào nhưng buôn bán lu bu và khách cũng thường chuyển khoản nên tôi không để ý, nghĩ nó chậm qua. Khi khách đi khá lâu mà tài khoản vẫn chưa báo tin nhắn tiền vào, tôi xem lại hình ảnh chụp màn hình sao kê chuyển khoản thì thấy sai sai, nhất là nội dung trong sao kê của ngân hàng ghi sai chính tả, nên biết chắc mình đã bị lừa" - bà N. kể.
Hình ảnh thanh niên đi ôtô được cho là đã dùng ảnh màn hình sao kê chuyển khoản giả để chiếm đoạt 400.000 đồng tiền mua trà sữa ở Phú Quốc
Hình ảnh sao kê chuyển khoản bà N. cung cấp có dòng chữ của ngân hàng ghi sai chính tả là "chuyển khoảng thành công". Trong khi các sao kê khác của chính ngân hàng này vẫn ghi chính xác là "chuyển khoản thành công". Ngoài ra, chưa từng có tình trạng ngân hàng nào ghi sai chính tả trên các mẫu sao kê điện tử lẫn bản in.
Hơn 1 tuần trước đó, chị Đ.N.T.T., chủ một shop thời trang ở phường Dương Đông, cũng bị một khách hàng nam lừa chuyển khoản mua trang phục với giá 1 triệu đồng. Sau 1 ngày không thấy tiền vào tài khoản, chị T. kiểm tra lại hình ảnh sao kê giao dịch chuyển khoản thì phát hiện nhiều điểm bất thường.
"Lúc khách mua đồ có để lại số điện thoại, tôi thấy hình ảnh sao kê chuyển khoản thành công thì cũng nghĩ do mạng chậm chứ không nghi ngờ gì. Không lẽ mình giữ khách lại chờ tiền vào tài khoản rồi mới cho đi. Sau 1 ngày vẫn không thấy gì, tôi gọi điện cho khách thì không còn liên lạc được. Cho tới nay vẫn chưa thấy khách quay lại tính" - chị T. cho biết.
Một số ảnh chụp màn hình sao kê chuyển khoản bị nghi là giả do các nạn nhân cung cấp
Một lãnh đạo công an phường ở Phú Quốc cho biết thủ đoạn lừa đảo này không mới, đã diễn ra liên tục trong nhiều năm từ khi Phú Quốc trở thành một thành phố du lịch sôi động. Tuy nhiên, nhiều người bán hàng vẫn không tránh khỏi vì số tiền không lớn, ngại giằng co với khách hàng khi gặp tình huống như trên.
"Thông thường, các đối tượng này chỉ nhắm đến các cửa hàng bán lẻ, quán ăn, giải khát... để lừa số tiền không lớn, có khi chỉ vài trăm ngàn đồng. Chính vì giá trị không lớn nên nạn nhân không trình báo sự việc đến cơ quan chức năng. Chúng tôi khuyến khích người dân nên tố giác để các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng này. Tuy tài sản chiếm đoạt không lớn nhưng ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, nhất là sẽ khiến người dân e ngại phương thức thanh toán tiện lợi không dùng tiền mặt mà chúng ta đang khuyến khích"- vị này cho biết.
Nếu tái phạm sẽ bị xử lý hình sự
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư TP HCM, hành vi sử dụng ảnh sao kê chuyển khoản chỉnh sửa để mua hàng nhưng thực chất không có chuyển khoản cho người bán như trên là có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự.
"Trường hợp số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì chưa đủ định lượng để khởi tố hình sự, chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tái phạm thì sẽ bị xử lý hình sự"- luật sư Lễ phân tích.
Bình luận (0)