Ngày 9-7, phiên chất vấn kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, về nhóm vấn đề liên quan đến nội dung liên quan đến nội dung công tác bảo đảm phòng cháy chữa cháy.
Nhiều đại biểu (ĐB) HĐND nêu vấn đề có đến 61% cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện, bị đình chỉ nhưng vẫn lén lút hoạt động. Trong đó, đại đa số ở các huyện ngoại thành Hà Nội như: Đông Anh, Mê Linh, Thạch Thất. Vậy trách nhiệm quản lý của chính quyền các huyện này ở đâu? Giải pháp nào để khắc phục?
Vụ cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông, Hà Nội khiến 13 người chết hồi tháng 11-2016
Trả lời chất vấn, ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, cho biết: "Qua rà soát, ở Thạch Thất có 70 cơ sở kinh doanh karaoke không đủ các điều kiện hoạt động. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản và đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số cơ sở vẫn lén lút hoạt động. Cái đó là có. Chúng tôi đề xuất ngoài đình chỉ ra còn phải thu giữ phương tiện để ngăn chặn các cơ sở này lén lút hoạt động".
Còn theo ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, nếu các cơ sở đã bị đình chỉ rồi nhưng vẫn hoạt động thì cần phải tịch thu phương tiện. Ngoài ra, phải đưa tên cơ sở vi phạm lên các phương tiện truyền thông đại chúng ở địa phương để người dân tránh không đến các quán karaoke vi phạm. Mới đây, ĐB HĐND huyện cũng đã chất vấn UBND huyện về việc quản lý các quán karaoke. Tuy nhiên, hiện nay huyện chỉ có 25 cơ sở vi phạm chứ không phải có đến 76 cơ sở vi phạm như báo cáo của Công an TP.
Lý giải thêm về vấn đề này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao (VH-TT) Hà Nội, cho hay toàn TP có trên 1.600 cơ sở kinh doanh karaoke nhưng chỉ có khoảng 500 cơ sở đủ điều kiện hoạt động. Còn lại trên 1.000 cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ và các điều kiện khác đã bị đình chỉ. Trong đó, các cơ sở bị đình chỉ vẫn lén lút hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khi xử lý mới chỉ ra quyết định đình chỉ nhưng chưa thể rút giấy phép hoạt động vì vướng quy định.
Theo ông Động, từ ngày 4-11-2016, sau vụ cháy ở quán karaoke 68 Trần Thái Tông, UBND TP Hà Nội đã tạm dừng cấp phép cho các cơ sở kinh doanh karaoke theo chỉ đạo của Thành uỷ. Hơn nữa, theo Thông tư 47, điều kiện về phòng cháy chữa cháy ở các điểm karaoke là rất nghiêm ngặt nên phần lớn các điểm karaoke không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
"Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi xin chịu trách nhiệm. Giải pháp trước hết là phải rà soát lại quy hoạch, tuy nhiên hiện nay Chính phủ đang xây dựng quy định mới nên chúng tôi phải tạm dừng rà soát quy hoạch" - ông Động nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội
Kết luận vấn đề, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP, cho biết báo cáo của Công an TP cho thấy có 28% xe chữa cháy của TP bị hỏng, việc các xe này bị hỏng như nào thì phải rà soát lại, báo cáo và có phương án thay thế. "Đã rất nhiều lần bí thư Thành ủy lo lắng, đôn đốc về vấn đề này, nếu xảy ra cháy mà không có, không đủ phương tiện chữa cháy thì sẽ như thế nào. Trước đây, thành phố đã cấp một số tiền để lực lượng công an mua áo bảo hộ khi chữa cháy, tuy nhiên khi chữa cháy lại không thấy công an mặc, không hiểu vì lý do gì" - bà Ngọc nói.
Cũng theo bà Ngọc, hiện nay 61% cơ sở kinh doanh karaoke đã bị tạm đình chỉ nhưng vẫn lén lút hoạt động, vấn đề này Công an TP, Sở VH-TT phải rà soát, xử lý nghiêm. Có những nơi, khi tổ chức tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy nhưng các hộ gia đình lại để cho người giúp việc đi nghe, như vậy là không đến được những đối tượng cần tuyên truyền, cần phải đổi mới cách làm. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần tuyên truyền trong nhà trường để tăng hiệu quả, công tác phòng cháy chữa cháy phải xuất phát từ người dân.
Bình luận (0)