Tuần nào, gia đình chị Đào Hoàng Trang (32 tuổi, ngụ quận 3, TP HCM) cũng đến công viên bến Bạch Đằng để dạo mát, vui chơi.
Nơi sáng trưng, nơi ảm đạm
Theo chị Trang, sau khi được cải tạo, công viên bến Bạch Đằng là điểm đến lý tưởng để người dân có thể tìm đến sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, điều khiến chị chưa hài lòng là một số đoạn đường vẫn chưa đủ độ sáng, nhiều công trình, di tích chạy dọc theo những tuyến đường này "ảm đạm" mỗi khi thành phố về đêm.
"Cột cờ Thủ Ngữ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, cầu Thủ Thiêm 2… nếu được đầu tư hệ thống ánh sáng chu đáo thì sẽ rất lung linh, là điểm đến cực kỳ thú vị khi về đêm… Như tượng Đức Thánh Trần đã được chiếu sáng nghệ thuật gây ấn tượng mạnh cho người dân mỗi khi đi qua đoạn đường Tôn Đức Thắng này" - chị Trang nói.
Đúng như nhận xét của chị Trang, về đêm, nhờ hệ thống chiếu sáng giao thông và không gian thoáng đãng của công viên bến Bạch Đằng nên đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ cột cờ Thủ Ngữ đến Công trường Mê Linh) sáng trưng. Tuy nhiên, cũng trên con đường này, đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Thủ Thiêm 2, độ sáng chỉ ở mức trung bình.
"Đoạn này vẫn còn tối so với các đoạn đường khác. Từ khi cầu Thủ Thiêm 2 khánh thành, lượng phương tiện lưu thông qua đây tăng cao nhưng ánh sáng thì chưa bảo đảm để các phương tiện lưu thông trên đường an toàn khi về đêm" - anh Hồ Anh Khoa (ngụ TP Thủ Đức) nói.
Còn trên đường Trường Sơn (đoạn từ sân bay Tân Sơn Nhất đến công viên Hoàng Văn Thụ), theo ghi nhận của phóng viên vào khuya cuối tuần qua, lượng phương tiện lưu thông khá cao. Các trụ đèn tại đây được bố trí nằm ở giữa, chạy dọc theo dải phân cách. Ẩn mình trong những tán cổ thụ, một số bóng đèn tỏa ra ánh sáng yếu ớt. Tổng thể, con đường Trường Sơn có những vùng sáng xen kẽ vùng tối do hàng cây đổ bóng dưới ngọn đèn đường.
"Ban đêm, chạy qua đoạn đường này phải đi thật chậm. Vì đường khá tối, lượng taxi và xe ôm công nghệ chạy từ trong sân bay ra rất nhiều, tầm nhìn giảm nên phải đi từ từ, nếu không chú ý rất dễ xảy ra tai nạn" - anh Hồ Thanh Lâm (TP Thủ Đức) nhận xét.
Chỉ tay về phía khu vực đặt biểu trưng văn hóa của TP HCM (nằm tại mũi tàu khu B, công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), anh Lâm nói: "Từ sân bay chạy đến đây, biểu trưng này gây ấn tượng mạnh với du khách khi đến với TP HCM. Nhưng về đêm thì nhìn nó buồn thiu. Nếu lắp đèn, chiếu sáng cho nó thì sẽ rất đẹp".
Khu vực đặt biểu trưng văn hóa của TP HCM tại công viên Hoàng Văn Thụ vào ban đêm
Làm nổi bật thông điệp của TP HCM
Năm 2021, UBND TP HCM ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh bảo đảm các yêu cầu về chất lượng ánh sáng; an toàn giao thông; an ninh trật tự; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển bền vững.
Tháng 5-2022, Sở Xây dựng TP HCM trình thành phố dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị TP HCM năm 2022. Theo dự thảo thì năm nay, hệ thống chiếu sáng đô thị hiện hữu sẽ được cải tạo, chuyển đổi thành hệ thống đèn chiếu sáng đô thị thông minh tại trung tâm TP HCM (quận 1, quận 2 và quận 3). Đáng chú ý, chỉ tiêu quan trọng trong năm 2022 là chiếu sáng mỹ thuật các công trình bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và chiếu sáng trang trí trục đường quan trọng kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sông Sài Gòn (Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - nhánh Võ Văn Kiệt - hầm chui cầu Khánh Hội - cột cờ Thủ Ngữ). Nhiệm vụ này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị chủ trì đề xuất lập chủ trương đầu tư công.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án buýt đường sông, đơn vị đồng hành với thành phố trong việc cải tạo Công trường Mê Linh và một phần bến Bạch Đằng) cho rằng việc chiếu sáng mỹ thuật các công trình bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa sẽ làm cho cảnh quan thành phố được đẹp hơn. Điều này cũng giúp nâng tầm giá trị nghệ thuật cho những công trình được chiếu sáng, từ đó hấp dẫn người dân và du khách.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Toản cho rằng cần phải có kịch bản tổng thể, xuyên suốt trong quá trình thực hiện chiếu sáng mỹ thuật cho các công trình, di tích của thành phố. Ví dụ đoạn đường từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sông Sài Gòn là tuyến đường được nhiều du khách, bạn bè trong và ngoài nước chọn đi qua khi đến với TP HCM. Vì vậy, việc chiếu sáng nghệ thuật cần phải làm nổi bật thông điệp về một thành phố tràn đầy sức sống và phát triển vươn lên mạnh mẽ.
"Việc chiếu sáng nghệ thuật cần phải có kịch bản xuyên suốt. Rồi tùy vào đặc điểm lịch sử, văn hóa của mỗi khu vực mà có nội dung chiếu sáng nghệ thuật cho phù hợp. Việc này cần phải thực hiện có trình tự và phải làm bật lên được tính nghệ thuật cho đối tượng được chiếu sáng" - ông Nguyễn Kim Toản nhấn mạnh.
Là một công dân của TP HCM, chị Vũ Tống Quỳnh Châu (quận 1) nói rất ngóng chờ thời điểm cùng bạn bè đi dạo trên những con đường, tuyến phố rực rỡ sắc màu. "Dù mới là dự thảo nhưng tôi cũng tò mò về kinh phí bỏ ra để làm điều tuyệt vời trên. Một băn khoăn nữa là khi đề xuất trên được thành phố chấp thuận thì thời gian từ nay đến cuối năm liệu mọi việc có kịp hoàn thiện...?" - chị Quỳnh Châu nói.
Phối hợp để hiệu quả cao nhất
Theo dự thảo, Sở Ngoại vụ được giao định hướng về quy hoạch chiếu sáng đô thị và ý tưởng chiếu sáng mỹ thuật. Sở này có nhiệm vụ phối hợp với thành phố Lyon (Pháp) để hỗ trợ việc góp ý quy hoạch chiếu sáng đô thị thành phố và tư vấn thiết kế chiếu sáng mỹ thuật đối với các công trình bảo tồn di tích, lịch sử, văn hóa.
Chiếu sáng trang trí cho trục đường quan trọng của thành phố cũng là một nội dung trong công tác phối hợp giữa Sở Ngoại vụ với thành phố Lyon.
Bình luận (0)