Ngày 8-5, thông tin từ Thanh tra tỉnh Bình Phước cho biết, cơ quan này đã ban hành Thông báo số 71/TB-T.Tr về kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Thủ tục mua sắm trong trường hợp cấp bách không hợp lý
Theo đó, đối tượng thanh tra là các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý và thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 như Sở Y tế, các cơ sở điều trị, cách ly... Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2021.
Thanh tra Bình Phước nêu: Nhìn chung, về trình tự, thủ tục được các đơn vị thực hiện đảm bảo theo quy định. Phần lớn các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong thời gian này đều áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Thời điểm dịch bùng phát, Bình Phước liên tục xét nghiệm để bóc tách F0 trong cộng đồng
Tuy nhiên, các gói thầu này được xác định là mua sắm trong trường họp cấp bách nhưng công tác thực hiện thủ tục mua sắm lại không hợp lý. Cụ thể, khi xác định là cấp bách thì chủ đầu tư cần lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay gói thầu nhằm cung cấp kịp thời vật tư, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch sau đó mới hoàn thiện thủ tục sau.
Trong thực tế, các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn lại làm ngược lại là hoàn thiện thủ tục xong rồi mới ký hợp đồng với nhà thầu để họ cung cấp vật tư, thiết bị dẫn đến việc thời gian mua sắm kéo dài.
Qua thống kê, thời gian kể từ thời điểm có nhu cầu cần mua sắm đến khi hoàn thiện xong thủ tục, tiến hành ký kết hợp đồng ở cấp tỉnh là từ 20 - 43 ngày; ở cấp huyện là từ 5 - 15 ngày.
Như vậy, giữa việc xác định là cấp bách nhằm mục đích thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu với việc tổ chức thực hiện hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nếu là cấp bách thì phải mời ngay (chỉ trong khoảng 1-3 ngày) nhà thầu vào thực hiện gói thầu sau đó mới hoàn thiện thủ tục thì thực tế là ngược lại.
Điều này cho thấy ở một số trường hợp, việc xác định gói thầu thuộc trường hợp cấp bách là không phù hợp. Điển hình là gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Sở Y tế làm chủ đầu tư với giá trúng thầu là 7 tỉ 830 triệu đồng có thời gian làm thủ tục 41 ngày, thời gian thực hiện hợp đồng 45 ngày (tổng thời gian từ lúc có nhu cầu đến lúc mua sắm xong là 86 ngày).
Thanh tra tỉnh Bình Phước cũng cho biết giá tất cả các gói thầu do các đơn vị mua thấp hơn giá do UBND tỉnh và Bộ Y tế quy định và hình thức mua sắm phù hợp với các quy định của pháp luật về giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 cũng như phê duyệt của UBND cấp huyện, cấp tỉnh.
Các đơn vị cấp tỉnh đã thực hiện 90 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền gần 130 tỉ đồng (trong đó ngân sách gần 121 tỉ 460 triệu đồng, nguồn vận động, tài trợ hơn 8 tỉ 500 triệu đồng); tại thời điểm thanh tra 2 đơn vị (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và CDC tỉnh) còn nợ 11 gói mua sắm chưa thanh toán với số tiền hơn 60 tỉ 500 triệu đồng.
Các đơn vị cấp huyện thực hiện 669 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền gần 104 tỉ 145 triệu đồng (trong đó ngân sách hơn 103 tỉ 348 triệu đồng; nguồn vận động, tài trợ là gần 796 triệu đồng).
CDC Bình Phước cung cấp hồ sơ thanh tra rất chậm
Theo Thanh tra Bình Phước, đa số các gói thầu thực hiện trong giai đoạn 2020- 2021 đã được thanh toán, ngoại trừ 11 gói chỉ định thầu mua sắm của CDC và Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa thanh toán (3 gói Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 8 gói CDC).
Cụ thể, đối với Sở Y tế: Thực hiện 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 31 tỉ 870 triệu đồng đã thanh toán.
CDC Bình Phước năm 2021 mua sắm vật tư y tế chống dịch gần 60 tỉ đồng
Đối với CDC, trong thời gian Đoàn thanh tra làm việc, CDC cung cấp hồ sơ và báo cáo cho Đoàn thanh tra rất chậm so với yêu cầu; thủ tục nhập kho và xuất kho vật tư y tế đôi lúc không đảm bảo quy trình (một số lần nhận và bàn giao vật tư y tế cho đơn vị sử dụng không đúng thành phần giao, nhận).
Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì năm 2020 không mua sắm vật tư, thiết bị phòng chống dịch. Riêng năm 2021 có thực hiện 25 gói thầu mua sắm với số tiền hơn 40 tỉ 420 triệu đồng (3 gói chưa thanh toán với số tiền hơn 19 tỉ 501 triệu đồng). Giá mua sắm vật tư, test nhanh, sinh phẩm, thiết bị y tế theo giá do UBND tỉnh và Bộ Y tế quy định.
Đối với dự án xây dựng 2 Bệnh viện dã chiến, Ban Quản lý dự án đầu tư- xây dựng tỉnh áp sai giá vật liệu và định mức đơn giá làm tăng giá trị dự toán không đúng quy định với tổng số tiền hơn 92 triệu đồng.
Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Bình Phước đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất hướng xử lý đối với 11 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị và test nhanh do Bệnh viện đa khoa tỉnh và CDC tỉnh Bình Phước còn nợ chưa thanh toán nhà cung cấp; Rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại phương pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động và công tác phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của đơn vị theo quy định.
Ngoài ra, đề nghị Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ra văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, thị xã và thành phố mua sắm trong trường hợp cấp bách và mua sắm thông thường. Các địa phương, đơn vị rút kinh nghiệm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.
Kinh phí mua sắm được các đơn vị sử dụng hiệu quả, một số đơn vị thực hiện mua sắm thấp hơn hoặc bằng đơn giá đã được phê duyệt, không có đơn vị nào thực hiện mua sắm vượt định mức đã phê duyệt.
Bình luận (0)