ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của nhân dân từng bước cải thiện, tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, đặc biệt năm 2018 đạt 7,8% (cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,08% của cả nước); 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP của vùng đạt 7,9% - cao nhất trong 4 năm, tạo tiền đề cho tăng trưởng những năm tiếp theo.
Thực tiễn đó một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức to lớn của BĐKH. Trước khi Nghị quyết 120 ra đời, nhiều năm liền người dân ĐBSCL nhọc nhằn đối phó hạn, mặn; loay hoay giữa canh tác lúa - tôm trên chính mảnh đất mình đang sinh sống, phải chật vật trước những biến động của thiên nhiên.
Chính sự chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế; sự đổi mới tư duy về "thuận thiên" (chuyển đổi sản xuất phù hợp dựa trên những lợi thế của tự nhiên) và hiệu quả thực tế "tai nghe mắt thấy" đã giúp chính quyền và người dân các tỉnh, thành ĐBSCL thay đổi nhận thức và hành động.
Để thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, phải đầu tư triển khai thực hiện các dự án hạ tầng đa mục tiêu, kết nối vùng, liên vùng về thủy lợi, giao thông, kinh tế; tái cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại, tạo chuỗi giá trị cho các sản phẩm vùng ĐBSCL. Xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo; tăng tỉ trọng giá trị sản xuất thủy sản và trái cây, giảm tỉ trọng lúa gạo...
Mặt khác, phải dụng ưu thế, sức lan tỏa, sự chuyển dịch phát triển của vùng TP HCM để phát triển mạnh công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng. Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp vùng ĐB-SCL làm nền tảng cho phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học... Đặc biệt, ĐBSCL phải nhanh chóng triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đón đầu các xu thế chuyển dịch đầu tư khu vực và quốc tế.
Với những thành công ban đầu sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, cần hơn nữa những chủ trương sáng tạo và nỗ lực vượt bậc để tiến tới phát triển bền vững cho ĐBSCL. Thực tế thành tựu của Nghị quyết 120 cho thấy khi có chủ trương đúng, thuận với tự nhiên, được lòng dân ủng hộ, khi có quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của nông dân trên đồng lúa, ruộng tôm, kết quả đạt được là sự kết tinh, hòa quyện tư duy và hành động; ý chí quyết thắng nghịch cảnh và lối sống hài hòa thiên nhiên của cha ông ta bao đời truyền lại luôn là đúng đắn.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, BĐKH suy cho cùng cũng chỉ là những biến đổi mang tính ngoại sinh. "Một khi chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa và tinh thần dân tộc, những yếu tố mang sức mạnh nội sinh, chúng ta sẽ phát triển giàu mạnh trên mảnh đất thiêng liêng kế thừa từ cha ông" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đó chính là sự phát triển bền vững dễ thấy nhất, từ chính những đổi thay sinh kế và đời sống người dân.
Bình luận (0)