Chương trình xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) của TP HCM (nay là chương trình giảm nghèo bền vững - GNBV) được khởi xướng và kiên trì thực hiện từ năm 1992 đến nay. Trong mỗi giai đoạn, TP đều hoàn thành mục tiêu giảm nghèo sớm từ 1-2 năm so với kế hoạch và là địa phương đi đầu cả nước về XĐGN bền vững.
Khơi ý chí vươn lên
Năm năm trước, chồng của bà Lê Thị Hương Bình (49 tuổi, ngụ quận Tân Phú) không may qua đời vì tai nạn giao thông. Cuộc sống của người mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, chăm sóc cha mẹ già thêm phần khốn khó. Vì thuộc diện hộ nghèo, gia đình bà Bình nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ ban GNBV của phường, ban điều hành khu phố, tổ tự quản giảm nghèo của khu phố. Ngoài tiền bảo trợ xã hội (dành cho phụ nữ đơn thân hộ nghèo nuôi 2 con nhỏ) 760.000 đồng/tháng, các con của bà còn được nhận học bổng, hưởng chế độ miễn giảm học phí. Không chỉ vậy, gia đình còn được hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ BHYT và nhận quà vào các dịp lễ, Tết. Được chăm lo chu đáo nhưng bà Bình chưa bao giờ ỷ lại mà luôn quyết tâm vươn lên muốn thoát nghèo. Bà làm rất nhiều công việc, từ nhận hàng gia công về may đến nhận sửa quần áo, nhận giữ xe tại nhà. Đến nay, với mức thu nhập bình quân 29 triệu đồng/người/năm, cuộc sống gia đình bà Bình đã khá hơn nhiều so với trước.
Gia đình bà Bình là một trong rất nhiều trường hợp đã thoát nghèo một cách bền vững, căn cơ từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền và sự nỗ lực tự vươn lên.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Thị Dung tặng bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xóa đói giảm nghèo Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP, cho rằng trong công tác XĐGN, chính quyền TP luôn luôn hỗ trợ, đồng hành cùng người nghèo, cận nghèo theo phương châm "trao cần câu chứ không trao con cá". Với phương châm này, rất nhiều chính sách được ban hành, triển khai hiệu quả, như chính sách trợ vốn tự tạo việc làm, học nghề, giải quyết việc làm; chính sách chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế; chính sách về nhà ở xã hội, học phí, viện phí... Các chính sách này tạo động lực để người dân phấn đấu vươn lên, có điều kiện để thoát nghèo.
"Thành công nhất của chương trình GNBV của TP là khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, cùng với sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, chính quyền địa phương các cấp" - ông Tấn đúc kết.
Nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả
Quá trình thực hiện công tác XĐGN của TP xuất hiện nhiều mô hình hay, phát huy tác dụng. Điển hình là mô hình tổ tự quản GNBV. Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, hiện trên địa bàn TP có khoảng 3.000 tổ tự quản GNBV, mỗi tổ quản lý 30-40 hộ dân. Nhiều tổ trưởng, tổ phó từng nằm trong chương trình XĐGN của những năm trước đó, giờ quay lại truyền đạt cách làm ăn, cách quản lý vốn cho người nghèo.
Các mô hình tự tạo việc làm cũng mang lại hiệu quả lớn. Có thể kể đến mô hình "Tổ gia công hóa mỹ phẩm" của phường Phước Long A, quận 9. Những thành viên tham gia tổ này làm việc bán thời gian có thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng, còn làm 8 giờ/ngày thì thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng. Hay mô hình "Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định" của quận Bình Thạnh, tập trung chăm lo người dân buôn bán hàng rong bị ảnh hưởng việc làm do lập lại trật tự lòng lề đường. Quận đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ vốn, phương tiện làm ăn; phối hợp với Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP, Trung tâm Giáo dục dạy nghề của quận Bình Thạnh... để đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.
Mô hình "Tổ hợp tác se nhang" ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đến nay giải quyết việc làm cho 120 lao động địa phương, trong đó có 12 hộ nghèo và 51 hộ cận nghèo với mức thu nhập trung bình 150.000-210.000 đồng/ngày/người. Đây đều là những mô hình được Ủy ban MTTQ TP khen thưởng và nhân rộng trong thời gian qua.
Vai trò của MTTQ và các đoàn thể, tổ chức xã hội cũng được phát huy mạnh mẽ. Ủy ban MTTQ TP luôn có những cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực như tổ chức các hội nghị bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; hội nghị hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ để định hướng được ngành nghề, công việc phù hợp với khả năng, trình độ của mình; tổ chức trao tặng phương tiện sinh kế cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Liên tục nâng chuẩn nghèo
Nhìn lại chặng đường XĐGN của TP, ông Lê Minh Tấn cho biết với cách làm sáng tạo, không ngừng đổi mới, TP đã nâng mức chuẩn nghèo qua từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1992-2003, chuẩn nghèo của TP là 3 triệu đồng/người/năm (nội thành) và 2,5 triệu đồng/người/năm (ngoại thành) nhưng đến giai đoạn 2004-2010, chuẩn nghèo này được nâng lên 6 triệu đồng/năm (áp dụng cả nội thành và ngoại thành); giai đoạn 2009-2015 là l2 triệu đồng và giai đoạn 2016-2020 là 21 triệu đồng trở xuống. Chuẩn hộ cận nghèo cũng được nâng từ trên 21 triệu đồng giai đoạn 2009-2015 lên 28 triệu đồng giai đoạn 2016-2020.
Đến giữa năm 2018, TP cán đích giai đoạn 4 trước thời hạn 2 năm, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP. Theo đó, kết thúc năm 2018, công tác giảm nghèo của TP đã đạt mốc quan trọng khi trong giai đoạn 2016-2018 có hơn 59.600 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và hơn 58.300 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo. Từ kết quả đó, đầu năm 2019, TP đã điều chỉnh chuẩn nghèo lên mức dưới 28 triệu đồng; hộ cận nghèo từ 28 triệu đồng lên 36 triệu đồng/người/năm.
Lãnh đạo TP HCM đánh giá thành công đột phá của chương trình GNBV là tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, việc làm, BHXH, điều kiện sống... Qua đó, cải thiện và từng bước nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo. Với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo TP và cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân TP, chương trình đã tạo thành phong trào sôi động, rộng khắp.
Đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác XĐGN, giúp người dân giảm nghèo nhanh, bền vững, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Thị Dung đề nghị tiếp tục tăng cường mạnh mẽ các giải pháp, cách làm thiết thực mang tính tác động, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi, tạo cơ hội cho người nghèo TP có thể an tâm, tự tin tổ chức làm ăn sinh sống giảm được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Song song đó, cần quan tâm tuyên truyền vận động để làm chuyển biến tư tưởng những hộ còn trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp nhà nước, chăm lo của cộng đồng xã hội, thiếu ý thức tự phấn đấu giảm nghèo, hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng.
Khởi xướng nhiều phong trào lớn
Cùng với chương trình giảm nghèo, TP HCM còn có nhiều chương trình an sinh xã hội nổi bật, đi đầu cả nước trong suốt 45 năm qua. Ông Lê Văn Thu, Trưởng Ban Tuyên giáo - Đối ngoại Ủy ban MTTQ TP, cho biết TP là nơi khởi xướng nhiều phong trào lớn, nhiều cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư... mang lại kết quả thiết thực, làm thẩm thấu giá trị nhân văn sâu sắc. Chỉ riêng trong dịp Tết Canh Tý 2020, TP đã dành hơn 1.000 tỉ đồng để chăm lo cho các đối tượng, trong đó có người nghèo, cận nghèo.
Phấn đấu giảm hộ nghèo còn dưới 0,3%
Theo Sở LĐ-TB-XH TP HCM, nếu tính theo chuẩn nghèo quốc gia (dưới 21 triệu đồng/người/năm) thì hiện nay, TP còn 48 hộ nghèo, chiếm 0,003%. Đây là những hộ không có lao động, người già, neo đơn. Sở LĐ-TB-XH TP đang đề nghị chuyển sang trợ cấp thường xuyên cho những đối tượng này. Còn so với chuẩn mới của TP HCM thì TP còn 9.666 hộ nghèo và gần 23.000 hộ cận nghèo. TP phấn đấu đến cuối năm 2020, hộ nghèo còn dưới 0,3% và hộ cận nghèo 0,6%.
Bình luận (0)