Sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP HCM với sự hình thành nhiều công trình giao thông mang tính biểu tượng, những tuyến đường huyết mạch từng bước giúp TP thay da đổi thịt.
Mở bung kết nối
Từ những năm đầu giải phóng, TP HCM ngoài việc duy trì và khai thác hiệu quả mạng lưới giao thông vận tải (GTVT) vốn có đã bắt đầu tập trung nâng cấp, mở rộng và xây mới nhiều tuyến đường. Những năm sau đó, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được xây dựng, đặc biệt là hệ thống đường trục Bắc - Nam với nhiều cây cầu lớn như Ông Lãnh, Tân Thuận 2, Khánh Hội...
Cùng với đó, hệ thống đường trục Ðông - Tây của TP cùng các tuyến đường chính ở cửa ngõ như Trường Chinh, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, đường Nguyễn Văn Linh... đã hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi cho các hướng Ðông - Tây và Bắc - Nam của TP, kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến.
Nhiều dự án mang tính chiến lược, kết nối vùng cũng lần lượt hình thành như các tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương, đường Xuyên Á (Quốc lộ 22)... Ðây là những tuyến đường kết nối trực tiếp với các tỉnh lân cận như Ðồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP HCM, trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông TP qua nhiều thời kỳ, ngoài việc sử dụng nguồn vốn ngân sách, sở đã tham mưu chính quyền TP tập trung huy động nhiều nguồn lực khác thông qua các hình thức như viện trợ không hoàn lại (ODA), kinh doanh - xây dựng - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT)...
Ðiển hình là dự án đại lộ Ðông - Tây (trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt) - tuyến đường chiến lược và hiện đại bậc nhất tại TP được thực hiện bằng vốn ODA từ Nhật Bản. Tuyến đường dài gần 22 km, bắt đầu từ xa lộ Hà Nội (quận 2) đến Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), qua địa bàn các quận 2, 1, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Đến nay, trục đường này vẫn đảm nhận vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối giao thông không chỉ riêng khu vực trên mà còn với các tỉnh miền Ðông Nam Bộ như Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và miền Tây là các tỉnh Long An, Tiền Giang...
Trong dự án đại lộ Ðông - Tây, hạng mục quan trọng nhất là đường hầm vượt sông Sài Gòn - nối giữa quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Công trình này sau khi đưa vào khai thác năm 2011, không chỉ là biểu tượng của TP HCM mà còn mang tầm quốc tế khi được thiết kế hiện đại nhất khu vực Ðông Nam Á.
Tuy nhiên, sau gần 1 thập kỷ đưa vào khai thác, với tốc độ phát triển đô thị, dân cư khu Ðông TP HCM tăng nhanh, nhu cầu đi lại ngày càng lớn đã tạo áp lực không nhỏ tại đường hầm vượt sông Sài Gòn. Trong bối cảnh đó, dự án cầu Thủ Thiêm 2 - cây cầu dây văng hình rồng nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 1 đang gấp rút thi công và kế hoạch sẽ thông xe vào cuối năm nay, mở bung các hướng đi tại khu vực.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - dự án được kỳ vọng tại TP HCM đang chạy nước rút để về đích
Nâng cao đời sống cư dân
Trong khoảng 10 năm gần đây, ngành GTVT TP HCM tiếp tục có những chuyển động không ngừng. Trong đó phải kể đến đường Phạm Văn Ðồng - tuyến nội đô hiện được xem là đẹp nhất TP. Tuyến đường nêu trên thuộc dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài với tổng vốn đầu tư 340 triệu USD bằng hình thức BT. Dự án hoàn thành năm 2013, kết nối trực tiếp từ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) qua 3 tuyến quốc lộ là 1, 13 và 1K (quận Thủ Ðức), tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt giữa các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Ðức cùng các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai.
Không chỉ vậy, đường Phạm Văn Ðồng khi được xây dựng còn góp phần rất lớn trong việc chỉnh trang đô thị cả khu vực nêu trên, kéo theo đó là đời sống kinh tế của các hộ dân cũng đổi thay từng ngày.
Không chỉ những tuyến đường huyết mạch liên tục hình thành, hàng loạt cây cầu lớn tại TP cũng được đầu tư, trong đó phải kể đến cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng lớn nhất và cũng là biểu tượng của TP HCM.
Cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2 và quận 7 (thuộc đường vành đai ngoài của TP), chính thức đưa vào khai thác 11 năm trước, đến nay vẫn đảm nhận vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông, lưu thông hàng hóa giữa quận 7, huyện Nhà Bè với khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng Cát Lái, Phú Hữu, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (quận 2 và quận 9)...
Ngoài ra, TP HCM cũng tự hào với hàng loạt dự án cầu khác như cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm, cầu chữ Y cùng nhiều dự án cầu vượt thép giải tỏa ùn tắc ở những nút giao trọng điểm như vòng xoay Cây Gõ, cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, nút giao Hàng Xanh...
Ước mơ metro không còn xa
Theo quy hoạch, TP HCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 230 km - là những dự án trọng điểm quốc gia. Hiện nay tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang chạy nước rút để có thể hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm sau.
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, cho biết khối lượng thực hiện toàn dự án metro số 1 đạt hơn 71% và dự kiến hết năm 2020 sẽ nâng lên 85%, theo kế hoạch sẽ hoàn thành toàn dự án trong năm 2021. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Ðường sắt đô thị số 1 đã được thành lập với nhiệm vụ quản lý, khai thác khi tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đưa vào vận hành thương mại. Dự kiến quý II/2020, tàu metro nhập khẩu sẽ được chuyển về và vận hành chạy thử ở đoạn Bình Thạnh - Depot Long Bình (quận 9 và Thủ Ðức).
Chạy theo xa lộ Hà Nội vào khu trung tâm - trục đường chính ở cửa ngõ phía Ðông TP, hình ảnh tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên bề thế, tạo điểm nhấn đặc biệt giữa hàng loạt công trình đô thị xung quanh. "Dự án trễ tiến độ nhưng đáng để chờ đợi bởi tôi rất kỳ vọng sẽ giúp giảm kẹt xe, ô nhiễm môi trường và góp phần tạo diện mạo mới cho TP HCM" - ông Phương Võ, cán bộ hưu trí ở quận Thủ Ðức, chia sẻ.
Trong khi đó, với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Ban Quản lý Đường sắt đô thị đang tập trung hoàn tất giải phóng mặt bằng và khởi công vào năm sau. Theo kế hoạch, dự án này sẽ có thể vận hành thương mại năm 2026.
Kế đến, dự án metro số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), cũng đang gấp rút triển khai các thủ tục và dự kiến được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm nay. Những tuyến còn lại đang thực hiện các thủ tục và gấp rút tìm nguồn vốn đầu tư.
"Khi các tuyến metro hoàn tất, TP HCM sẽ có một hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân thuận lợi, an toàn; đồng thời giúp giảm ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội" - ông Bùi Xuân Cường đánh giá.
Giao thông đô thị quyết định nhiều vấn đề
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS Trưởng TP HCM, nhìn nhận để một vùng đô thị ổn định, bền vững phải bảo đảm giao thông liên tục. Giao thông cũng có ý nghĩa quyết định đến năng lực cạnh tranh của đô thị, không chỉ ở vai trò bảo đảm kết nối sản xuất tiêu dùng, giá cả hàng hóa... mà còn về cảnh quan, môi trường, đời sống của người dân cũng như thu hút nhà đầu tư...
Suốt 45 năm qua, TP HCM với những phát triển không ngừng về hạ tầng giao thông đã đóng vai trò rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, TP vẫn có rất nhiều thách thức cần giải quyết như ùn tắc giao thông, ngập nước, cải thiện môi trường...
Bình luận (0)