GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ:
Chưa có quy hoạch tích hợp
Liên kết vùng ở ĐBSCL hiện trong tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi dự án như liên kết thủy lợi, đường sá, xây dựng... cũng làm riêng. Việc này cho thấy sự tích hợp quy hoạch để liên kết rất rời rạc. Bên cạnh đó, chưa có quy hoạch cụ thể nên các nhà đầu tư không có phương hướng để triển khai dự án. Chẳng hạn, tỉnh Đồng Tháp quy hoạch vùng trồng xoài từ một khoảnh ở TP Cao Lãnh kéo dài ra tới Quốc lộ 1 nhưng ngay cả trong vùng cũng không có sự phối hợp với người trồng xoài. Ở Mỹ, trái cam vàng Sunkist là sản phẩm của một đại hợp tác xã gồm hơn 30.000 nông dân ở nhiều tiểu bang nhưng họ vẫn liên kết thành một, dưới sự chỉ huy của một tổ chức. Đơn vị này có nhiệm vụ lo đầu ra, những hộ sản xuất nhỏ lẻ thấy được cái lợi nên chủ động gia nhập. Còn ở mình, 100 hộ trồng lúa thì có đến 100 ý kiến. Việc trồng xoài ở Đồng Tháp cũng vậy, mỗi hộ trồng theo cách của mình. Vì thế, nói là liên kết vùng nhưng chưa có quy hoạch tích hợp, chưa quy về một mối để phục vụ cho hướng liên kết.
Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:
Hình thành các đại hợp tác xã
Liên kết vùng chính là liên kết không gian sản xuất, không gian ở, liên kết hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Liên kết vùng sẽ từ thay đổi quy hoạch không gian sản xuất và không gian phân bố dân cư. Sự thay đổi bắt đầu từ quy mô nhỏ đến lớn, từ tiểu vùng đến toàn vùng. Không gian sản xuất theo hướng tích hợp, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính cấp xã, cấp huyện mà phải liên xã, liên huyện, tiểu vùng dựa trên điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ nhưỡng tương đồng. Sự liên kết này sẽ hình thành các cụm liên kết các ngành hàng công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, các tổ hợp logistics với quy mô tương ứng. Trong từng cụm liên kết sẽ hình thành các đại hợp tác xã đa dịch vụ: các cơ sở cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào, cơ khí nông nghiệp, dịch vụ nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực... Các cụm liên kết ngành còn là điều kiện để thu hút nhà đầu tư ngoài vùng trong và ngoài nước. Những cụm liên kết ngành hàng sẽ là tiền đề để thay đổi chất lượng nông nghiệp, trình độ nông dân và diện mạo nông thôn dựa trên những "ngôi làng thông minh". Mỗi cụm liên kết ngành là một cấp độ có đủ năng lực chủ động lập kế hoạch cho cộng đồng tổ chức lại sản xuất theo hướng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:
Liên kết tiểu vùng bán đảo Cà Mau
Quy hoạch tổng thể khu vực ĐBSCL đã có nhưng phải được xây dựng, ban hành và thực thi một chương trình chính thức về mối liên kết, phát triển vùng. Ngoài ra, cùng với liên kết toàn vùng thì cũng cần liên kết các tiểu vùng. Vấn đề này từ năm 2017, 4 tỉnh trong tiểu vùng bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) đã ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện, đang tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương để xây dựng đề án cụ thể để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho chủ trương xử lý. Trong đề án của tiểu vùng có nhiều nội dung quan trọng như: tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ chế phân bổ sử dụng nguồn lực (nhất là đất đai); quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục - đào tạo, y tế; cải cách thể chế, hành chính, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp và phân công thực hiện cụ thể. Thông qua các nội dung này, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL sẽ phát huy hiệu quả cao hơn, đúng tiềm năng và dư địa của vùng.
TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL:
Tháo ranh giới hành chính tỉnh và ngành
Việc phân bổ vốn đầu tư công cho các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi thiết yếu của vùng vẫn đang bị nhốt trong ranh giới hành chính tỉnh và ngành. Cơ chế thí điểm dành ít nhất 10% tổng vốn đầu tư công toàn vùng cho các chương trình, dự án liên kết vùng đến nay chưa thực hiện được. Việc xây dựng trung tâm thông tin, dữ liệu vùng thì ì ạch. Nghị quyết 120 của Chính phủ đã xác định thành lập Hội đồng điều phối vùng nhưng đến nay chưa rõ hình hài. Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế điều phối và vận hành trung tâm tích hợp thông tin, dữ liệu vùng. Cần thành lập hội đồng điều phối vùng có thực quyền, tập trung vào 3 lĩnh vực: điều phối quy hoạch; quản lý, sử dụng tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư có tính liên kết vùng theo quy mô, tính chất dự án. Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, trong đó tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, có tính chất động lực. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế liên kết hiệu quả các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng giữa sông Tiền, sông Hậu và ven biển phía Đông.