Những ngày này, khi cả nước hướng về TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam, hỗ trợ cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19, sự phối hợp, tình cảm giữa người dân, chính quyền địa phương với các cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu tại ĐBSCL càng thêm bền chặt. Tất cả đồng lòng "chống dịch như chống giặc", với tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài".
Hậu phương vững chắc
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang là đơn vị luôn sát cánh cùng các lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu biên giới, là "hậu phương vững chắc" cho cán bộ, chiến sĩ. Các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đã ủng hộ vật chất, tiền mặt phục vụ công tác phòng chống dịch cho lực lượng tuyến đầu với số tiền gần 2 tỉ đồng.
Bà Lê Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang, cho biết toàn tỉnh đang duy trì 21 tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới với 324 thành viên. Các tổ góp sức "chia lửa" với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP), tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, nhằm bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, phòng chống dịch Covid-19.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Hữu - Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang giúp dân khống chế, dập tắt đám cháy. Ảnh: CHIẾN KHU
Các thiếu nhi trên địa bàn TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng ủng hộ các chú BĐBP theo cách riêng, rất đáng yêu. Theo bà Trương Thị Thúy, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang, thấy những vết hằn trên khuôn mặt các chú bộ đội, y - bác sĩ do đeo khẩu trang quá lâu, các em đã nhiệt tình tham gia chương trình "Em cùng góp sức" do Nhà Thiếu nhi tỉnh phát động, tiết kiệm tiền để mua vật liệu làm tai giả khẩu trang gửi ra tuyến đầu biên giới. Hai chị em Phạm Bá Tuệ Trân (học sinh lớp 7) - Phạm Bá Bảo Trân (lớp 2) đã đập ống heo mua vật liệu, cặm cụi làm tai giả khẩu trang theo hướng dẫn của Nhà Thiếu nhi tỉnh để giúp các chiến sĩ thuận tiện hơn trong công việc. Với sự hỗ trợ của các "chiến sĩ nhí", Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang đã làm và trao tặng 6.400 tai giả khẩu trang và 16.000 tấm chắn giọt bắn cho các chiến sĩ đang đóng quân ở khu vực biên giới và điểm cách ly y tế trên địa bàn.
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới, các cấp, các ngành và người dân cùng xắn tay hành động, chung tay góp sức hỗ trợ. Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang làm đầu mối vận động người dân, doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các thùng trữ nước ngọt; UBND các huyện, thị xã biên giới xây dựng các chốt, lắp cột thu lôi chống sét; Tỉnh Đoàn An Giang lắp đặt toàn bộ hệ thống đèn năng lượng mặt trời, đào giếng khoan cho các chốt. Ngoài ra, các đoàn công tác trong và ngoài tỉnh thường xuyên cung cấp vật tư y tế, nhu yếu phẩm... bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ.
Nổi lên trong phong trào này là ông Đỗ Văn Nhẫn - người dân ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ông Nhẫn đã thiết kế chốt bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 vượt lũ kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Ông còn huy động người nhà, hàng xóm tiếp tục giúp Đồn Biên phòng Nhơn Hưng xây dựng các chốt còn lại mà không lấy tiền công.
Nhiều hoạt động thiết thực giúp dân
Đáp lại tấm lòng của "hậu phương", Bộ Chỉ huy BĐBP tại 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp người dân vùng biên giới vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, phải giãn cách xã hội dài ngày theo Chỉ thị 16.
Nhiều đơn vị đã thu hoạch vườn tăng gia của mình để ủng hộ rau xanh, củ quả... cho người dân vùng biên giới. Các đồn biên phòng đã phối hợp với địa phương tổ chức các "Gian hàng 0 đồng", "Chuyến xe nghĩa tình 0 đồng", với phương châm "Người thiếu thì lấy, người dư thì ủng hộ"…, giúp người dân yên tâm và tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, để cuộc sống trở lại bình thường.
Chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ nông dân vận chuyển nông sản. Ảnh: TÂM MINH
Bà Hà Thị An (ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) tuổi cao, sức yếu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nghẹn ngào: "Trong lúc nhà hết gạo, hết mì gói, các chú BĐBP đã kịp thời mang đến tận nhà cái ăn, giúp gia đình tôi không phải lo lắng. Có các chú, tôi tin chắc đất nước sẽ sớm chiến thắng dịch Covid-19".
Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản của người dân khu vực ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, nông dân rất cần sự giúp đỡ của các ngành, các cấp. Thấu hiểu được việc này, mới đây, thông qua chương trình chuyến tàu chở hàng cung ứng cho người dân các tỉnh, thành phía Nam phòng chống dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã điều tàu đến tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ 60 tấn nông sản giúp nông dân.
Bà Phan Thị Kim Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, cho biết những chuyến hàng chứa chan tình cảm của các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển đã tiếp ứng nông sản từ Đồng Tháp đến với người dân tại TP HCM và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Trung tá Võ Minh Thắng, Trưởng Ban Dân vận - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, chia sẻ: "Sau khi được đơn vị đồng ý, tôi cùng các chiến sĩ tàu 626 nhanh chóng chuẩn bị để lên đường về Đồng Tháp nhằm hỗ trợ người dân vận chuyển nông sản gửi đến khu vực đang gặp khó khăn do dịch Covid-19".
Tỉnh Bạc Liêu đang bước vào thu hoạch lúa vụ hè thu với diện tích hơn 56.000 ha, ước sản lượng trên 330.000 tấn. Sản lượng lúa để lại tiêu thụ trong dân và được các đơn vị ký kết bao tiêu chỉ khoảng 40% diện tích. Còn lại hơn 60% diện tích cần được hỗ trợ tiêu thụ của các doanh nghiệp, thương lái ngoài tỉnh. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn này, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chủ động ký kết với tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong điều kiện nhiều nơi thực thiện giãn cách xã hội.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Chính ủy Quân khu 9, cho biết cán bộ, chiến sĩ sẽ giúp dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, thủy sản cho đến khi xong mùa vụ, không giới hạn thời gian. Ngoài việc tăng cường nhân lực, khi có yêu cầu, Quân khu 9 sẵn sàng điều xe để vận chuyển nông sản, thủy sản giúp dân. "Đơn vị xem đây là trách nhiệm to lớn trong việc hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, phối hợp với địa phương để tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu khẳng định.
Giúp dân khống chế hỏa hoạn
Trưa 9-8, tại khu vực đồng lúa ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang xảy ra vụ hỏa hoạn ở kho chứa rơm của một hộ dân. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Phú Hữu cử 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng công an, Ban Chỉ huy Quân sự xã giúp chữa cháy, khống chế ngọn lửa, không để xảy ra thiệt hại về người.
Đại úy Nguyễn Văn Huy - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Hữu - cho biết: "Bên cạnh công tác hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu... trong điều kiện giãn cách xã hội, đơn vị còn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để giúp các gia đình phòng ngừa và khống chế hỏa hoạn nếu xảy ra, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống".
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)