Ngày 9-7, Văn phòng UBND TP HCM cho biết Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký công văn chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước, bảo đảm phù hợp trong thời gian 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9-7.
Dừng họp tại công sở
Theo đó, các cơ quan, đơn vị nhà nước thực hiện nghiêm yêu cầu của UBND TP về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trong đó lưu ý các nội dung thực hiện tại trụ sở cơ quan, đơn vị.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí không quá 1/3 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB-CC-VC-NLĐ) làm việc tại trụ sở cơ quan, đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2021; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải làm việc trực tiếp tại trụ sở.
Đối với đơn vị đặc thù trực thuộc UBND TP, các sở, ban, ngành TP và UBND TP Thủ Đức, quận, huyện: giao thủ trưởng cơ quan, đơn vị báo cáo nhu cầu bố trí CB-CC-VC-NLĐ làm việc tại trụ sở cơ quan, đơn vị đến Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc CB-CC-VC-NLĐ lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch tại công sở. Phân công, bố trí số lượng CB-CC-VC-NLĐ thuộc lực lượng tham gia phòng chống dịch các cấp và cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, quân đội phù hợp với yêu cầu công tác.
Một cửa hàng đồ điện gia dụng mở cửa sáng 9-7, sau đó đã được lực lượng chức năng TP HCM nhắc nhở Ảnh: TRẦN THÁI
Dừng toàn bộ cuộc họp tại công sở, trừ các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý những vấn đề cấp bách của đơn vị. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm việc tổ chức các cuộc họp tại cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm không tập trung quá 10 người trong một phòng và phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Phân công, giao việc cho CB-CC-VC-NLĐ làm việc tại nhà; quản lý CB-CC-VC-NLĐ thông qua kết quả công việc; lưu ý không để công việc bị đình trệ, đặc biệt là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật và các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bố trí làm việc trực tuyến tại nhà theo thời hạn được quy định đối với CB-CC-VC-NLĐ đang cư trú tại các địa bàn được thiết lập vùng phong tỏa để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch Covid -19 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền...
Tạm dừng các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa cần thiết, trường hợp cần thiết thanh tra, kiểm tra phải hạn chế số lượng người tham gia và thay đổi hình thức thanh tra, kiểm tra phù hợp; tạm dừng công tác tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị...
Nhắc nhở, xử phạt người vi phạm
Trong ngày, tại quận Tân Phú, Tân Bình vẫn còn một số cửa hàng bất chấp lệnh cấm để hoạt động. Trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 13, quận Tân Bình), một cửa hàng điện gia dụng vẫn bán hàng cho khách. Kế bên, một cửa hàng trà sữa vẫn mở cửa. Trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (phường 2, quận Tân Bình), một quán nước giải khát vẫn bày biện trái cây và chế biến đồ uống cho thực khách đang đợi. Trên đường Tân Quý (phường Tân Quý, quận Tân Phú), tại một cửa hàng điện gia dụng có đến 4 người tập trung mua hàng.
Đại diện UBND quận Tân Phú cho biết sau khi nhận được tin báo của phóng viên, lực lượng chức năng đã lập tức đến hiện trường, nhắc nhở thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Trong ngày, quận tổ chức 19 tổ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm người dân thực hiện nghiêm quy định giãn cách trên khắp các tuyến đường thuộc địa bàn quận. Qua đó, đã nhắc nhở 639 trường hợp; phạt 3 trường hợp hàng quán kinh doanh dịch vụ không thiết yếu hoạt động với tổng số tiền 34,5 triệu đồng.
Trên địa bàn huyện Hóc Môn, hầu hết các cửa hàng buôn bán đều đóng cửa, dán thông báo cho khách rõ. Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết ngoài xử lý nghiêm, việc tuyên truyền đến các hộ dân cũng được các xã thực hiện thường xuyên, nên ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16, người dân chấp hành khá tốt.
Triển khai 1.000 giường hồi sức
Cùng ngày, Sở Y tế TP HCM đã triển khai 1.000 giường hồi sức dành cho các trường hợp mắc Covid-19 nguy kịch tại 4 bệnh viện (BV) tuyến cuối trên địa bàn, giao cho 4 BV: Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định.
TP cũng tạm chuyển đổi công năng BV huyện Bình Chánh thành cơ sở 2 của BV Nhân dân 115, chuyên nhận các trường hợp mắc Covid-19 nặng và nguy kịch; tạm chuyển đổi công năng BV quận Gò Vấp trở thành cơ sở 2 của BV Nhân dân Gia Định. Trong thời gian tạm chuyển đổi công năng, để bảo đảm người dân vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đến khám chữa bệnh, giám đốc BV quận Gò Vấp và BV huyện Bình Chánh tăng cường truyền thông cho người dân đến khám chữa bệnh tại các BV khác đồng hạng trên địa bàn TP.
Cũng trong ngày, đội chi viện đầu tiên của BV Chợ Rẫy gồm 10 bác sĩ và 10 điều dưỡng đã xuất phát lên đường đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ để tham gia điều trị các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại đây. Đây là một trong 6 đội được BV Chợ Rẫy điều động, chi viện cho các BV điều trị Covid-19 tại TP HCM.
Tăng thực phẩm chế biến sẵn
Ngày 9-7, UBND TP HCM có văn bản khẩn gửi thủ trưởng các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện về hướng dẫn triển khai Công văn số 2279 của UBND TP về thực hiện Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày, từ 0 giờ ngày 9-7.
UBND TP giao Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống phân phối tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn; bảo đảm hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; phối hợp hệ thống giao hàng online, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt các khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; thực hiện các giải pháp hỗ trợ kịp thời, thông qua các hình thức: Hướng dẫn người dân có thể đến mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đang hoạt động hoặc đặt hàng thông qua các ứng dụng công nghệ; hỗ trợ cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày bằng các hình thức phù hợp. Đồng thời, tổ chức lực lượng tình nguyện viên của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên hỗ trợ "đi chợ thay"; trực tiếp đặt hàng qua điện thoại tình nguyện viên và giao trực tiếp đến các đối tượng; chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác...
Trả kết quả xét nghiệm trong 3 giờ
Ngày 9-7, Sở Y tế TP HCM cho biết TP sẽ thí điểm trả kết quả xét nghiệm qua hệ thống khai báo y tế cho người có nhu cầu cấp giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2. Theo đó, sau khi đánh giá hiệu quả tại 4 bệnh viện triển khai thí điểm, Sở Y tế tiếp tục triển khai đến các đơn vị thực hiện xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 cho người có nhu cầu. Các đơn vị sẽ phân công cán bộ của bộ phận công nghệ thông tin và bộ phận xét nghiệm phụ trách việc trả kết quả xét nghiệm của người dân trên phần mềm khai báo y tế tại địa chỉ https://kbyt.khambenh.gov.vn. Kể từ ngày 10-7, đơn vị thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm với hệ thống khai báo y tế điện tử. Trường hợp chưa kết nối liên thông dữ liệu thì phải nhập kết quả xét nghiệm của người dân trong vòng 3 giờ, kể từ khi có kết quả. Khi tiếp nhận người đăng ký xét nghiệm, đơn vị phải nhập đầy đủ thông tin số điện thoại của người được xét nghiệm để bảo đảm gửi thông tin kết quả chính xác và kịp thời thông qua ứng dụng "Y tế HCM"; hướng dẫn người dân tự tra cứu kết quả xét nghiệm trên điện thoại; thông tin rõ cho người dân biết kết quả xét nghiệm được xác nhận bằng mã QR trên hệ thống khai báo y tế có giá trị tương đương với bản giấy tờ kết quả xét nghiệm.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức
Tin-ảnh: H.Yến
Bình luận (0)