Lúc trẻ, ba tôi sớm giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào học sinh, sinh viên tổ chức bãi khóa, xuống đường biểu tình. Ông thoát ly gia đình vào chiến khu đánh giặc cho đến ngày chấm dứt chiến tranh.
Khi tôi còn nhỏ, ba thường kể về những sự hy sinh anh dũng của dân và quân ta cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Trong những chuyến công tác đền ơn đáp nghĩa, dâng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ…, ba thường dẫn tôi theo để giáo dục truyền thống cách mạng. Tôi nhớ rõ lời ba: "Tự do, hòa bình không phải dễ, có được như bây giờ nhất định phải giữ".
Ba tôi luôn nhắc nhở con cháu noi theo tấm gương Bác Hồ về tinh thần tự học để nâng cao kiến thức, phục vụ cho công tác. Ba dặn phải gắng học để hoàn thiện bản thân; biết cảm thông, chia sẻ với người xung quanh; học cách quý trọng những gì mình đang có, đồng thời có thể mang nhiều niềm vui đến cuộc sống và xã hội.
Khi tôi hoàn thành cao học tại nước ngoài, ba khuyên nhủ: "Nếu ở lại nước ngoài, con có thể sẽ được rất nhiều cơ hội và vật chất. Song, về quê hương, đất nước thì con sẽ có niềm tự hào là con cháu của thế hệ cách mạng để cùng những đồng chí tâm huyết khác góp phần xây dựng nước nhà tươi đẹp hơn". Nghe lời ba, tôi quay về cống hiến cho đất nước, trong môi trường nhà nước.
Công trình cầu nối 2 ấp Kiến Bình 1 - Hòa Bình ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang khởi công xây dựng từ 300 triệu đồng của gia đình ông Nguyễn Tuấn Anh tài trợ. (Ảnh gia đình cung cấp)
Ba chia sẻ với tôi rằng trong công tác dân vận, cần đề cao tinh thần "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", vì điều đó sẽ có giá trị thuyết phục người khác cùng nhận thức và hành động. Cán bộ, đảng viên muốn làm tốt công tác dân vận phải có phẩm chất tốt; trước hết phải là người sống hiếu thuận, nhân ái với các thành viên trong gia đình và tình nghĩa với đồng chí ngay trong cơ quan. Trong có ấm thì ngoài mới êm. Có ứng xử, giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình, trong nội bộ cơ quan thì mới có thể giải quyết đúng mực các mối quan hệ xã hội.
Từng câu, chữ của ba luôn là "kim chỉ nam" cho tôi phấn đấu. Tôi nghiệm ra rằng xây dựng nền tảng gia đình mà từng thành viên trong đó "giàu lòng yêu nước, có ý thức trách nhiệm công dân; có tinh thần học tập, rèn luyện sức khỏe, hăng say lao động; sống có văn hóa, nghĩa tình" sẽ là một bước thành công trong công tác dân vận. Gắn kết, xây dựng nền tảng gia đình với công tác dân vận là một mô hình mang tính thiết thực và đạt hiệu quả lâu dài cho nhiều thế hệ tiếp nối.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người căn dặn: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt... Hạt nhân của xã hội là gia đình".
Bình luận (0)