Ngày 10-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp tỉnh Lào Cai tổ chức diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc", với sự tham dự của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng và các địa phương sản xuất nông nghiệp.
Thị trường lớn và quan trọng
Thông tin tại diễn đàn, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), nhìn nhận Trung Quốc là thị trường lớn, quan trọng đối với nông sản Việt Nam. Trong đó, nhiều ngành hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có tỉ trọng cao như: sắn (khoai mì) và các sản phẩm từ sắn (chiếm hơn 91%), cao su (71%), rau quả (gần 54%, trong đó vải thiều chiếm tỉ lệ lớn), thanh long (hơn 80%)…
"Chúng ta hay nói đến việc khai thác thị trường mới, thị trường ngách nhưng để ổn định sản xuất thì phải giữ vững được thị trường chính, thị trường truyền thống. Khi khai thác thị trường Trung Quốc, DN cần chú ý công tác bảo vệ thương hiệu, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử" - ông Tô Ngọc Sơn lưu ý.
Ông Tô Ngọc Sơn cũng nêu quan điểm khi khai thác thị trường Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe và nhất quán chứ không phải "nay thế này, mai thế kia" như nhiều người nhầm tưởng.
"Lâu nay, chính quyền địa phương biên giới Trung Quốc linh hoạt cho nhập khẩu tiểu ngạch vì lợi ích địa phương, tạo điều kiện cho đời sống cư dân biên giới, còn chính sách chung của Trung Quốc là tuân theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới" - ông Tô Ngọc Sơn nói rõ.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) - thông tin thêm năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu được hơn 53 tỉ USD, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỉ USD. Tuy nhiên, xét về giá trị nhập khẩu nông - lâm - thủy sản của Trung Quốc năm qua với 260 tỉ USD thì thị phần của Việt Nam chỉ mới chiếm hơn 5%, nên dư địa tăng trưởng còn lớn.
Ông Lê Thanh Hòa dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam qua tỉnh Vân Nam sẽ khởi sắc trong thời gian tới và lưu ý các DN cần hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Ngoài những mặt hàng Việt Nam đã đàm phán xuất khẩu chính ngạch thành công sang Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa cũng thông tin danh mục các mặt hàng đang đàm phán mở cửa là: bưởi, bơ, na (mãng cầu), roi (mận), dứa… để nông dân và DN biết mà chuẩn bị.
Doanh nghiệp Việt Nam đóng gói mặt hàng chuối để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Nhiều áp lực cạnh tranh
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng Trung Quốc mở cửa kinh tế từ ngày 8-1 vừa là tin vui nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Đó là vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng theo tiêu chuẩn nhập khẩu. "Nếu DN không xây dựng vùng nguyên liệu thì chỉ có tranh mua tranh bán rồi "đạp giá", phá giá. Các địa phương phải chú trọng việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số đóng gói có sự liên kết với DN xuất khẩu. Các DN phải chủ động liên hệ với đối tác, ban quản lý các cửa khẩu để nắm thông tin về tình hình thông quan để điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu phù hợp, tránh tình trạng ùn tắc làm tổn thất kinh tế" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khuyến cáo.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhắc đến diễn biến mới đây trên thị trường là tuyến đường sắt khứ hồi Trung Quốc - Lào - Thái Lan đi vào hoạt động khiến chi phí vận chuyển nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc giảm 20% so với trước đây và rút ngắn thời gian vận chuyển 1 ngày. Điều này tạo thêm áp lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam nên các DN cần có giải pháp ứng phó phù hợp trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng đánh giá sự kiện trên tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của rau quả Việt Nam tại Trung Quốc.
"Trái cây Việt Nam và Trung Quốc trùng nhau về mặt hàng, mùa vụ nhưng từ trước đến nay, ưu điểm của Việt Nam là gần thị trường, còn Thái Lan vận chuyển chậm hơn chúng ta 2 ngày. Bây giờ họ rút ngắn được thời gian vận chuyển thì ưu thế này dần mất đi nên phải bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt hơn. Chúng ta còn một ưu thế so với trái cây Thái Lan là trồng được trái cây nghịch vụ (sầu riêng, thanh long...) cần phải bảo vệ trong thời gian tới" - ông Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận.
Vận chuyển đường sắt Việt Nam còn yếu
Về việc Thái Lan thông tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc, ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A, đánh giá điều này sẽ làm cho nông sản Thái Lan thêm lợi thế tại thị trường Trung Quốc. "Vận chuyển bằng đường sắt liên vận có chi phí thấp và tiết kiệm thời gian thông quan hơn so với đường bộ. Tại Việt Nam, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt còn rất ít và chưa chạy thẳng mà phải "sang tàu" do khổ đường sắt Việt Nam và Trung Quốc không tương thích. Ngoài ra, đối với hàng hóa cần bảo quản nhiệt độ như nông sản, thủy sản thì container đường sắt Việt Nam khả năng đáp ứng rất thấp. Vận tải đa phương thức kết hợp đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển của Việt Nam vẫn chưa chặt chẽ, chi phí còn cao so với các nước" - ông Long phân tích.
Bình luận (0)