xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thêm "đôi cánh" cho TP HCM

Phan Anh thực hiện

Nếu Nghị quyết 54 như chìa khóa mở thêm cánh cửa phát triển cho TP HCM thì nghị quyết thay thế phải là "đôi cánh" để thành phố bay cao

Nghị quyết số 54/QH/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM sau thời gian áp dụng đã mang tới nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên một số hạn chế cũng đã dần bộc lộ. Từ đó, UBND TP HCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế nghị quyết này để mở ra cơ hội phát triển mới. Với mong muốn nghị quyết thay thế có tính toàn diện, hiệu quả nhất, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, nêu nhiều ý tưởng, đề xuất có buổi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.

Chưa tối ưu điều kiện phát triển

* Phóng viên: Bà có thể khái quát lý do khiến TP HCM cần một cơ chế, chính sách phát triển riêng?

- TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG: TP HCM là siêu đô thị có dân số cao. Cứ tính trên mỗi 1 km2, dân số TP HCM gấp 17 lần bình quân cả nước, với 4.700 người. Thành phố tạo ra GDP gấp 36 lần và đóng góp ngân sách gấp 44 lần bình quân cả nước. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của thành phố so với nhiều địa phương ở một số mặt đã chậm lại. Nhu cầu về giao thông, nước sạch, trường học, bệnh viện của TP HCM luôn đòi hỏi mức độ đầu tư lớn, ngoài ra, áp lực quản lý nhà nước cũng như nhu cầu về cơ sở hạ tầng là 2 trong nhiều bài toán thành phố cần lời giải.

Nhiều thống kê khác cũng chỉ ra TP HCM hoàn toàn khác với các địa phương trong cả nước nên cần một cơ chế đặc thù để tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

* Và Nghị quyết 54 ra đời như một chìa khóa mở thêm cánh cửa phát triển cho TP HCM, tuy nhiên, qua thời gian triển khai đã xuất hiện những điểm chưa tương thích?

- Đúng vậy. Thứ nhất, nhiều nội dung Nghị quyết 54 chưa phân cấp triệt để, tức là đã "cho phép" nhưng cho không dứt khoát, TP HCM chưa được quyền chủ động thực hiện mà vẫn phải ra Trung ương xin thêm cơ chế.

Ví dụ: Cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội nhưng thực tế TP HCM không dễ dàng chủ động trong việc bán tài sản công thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn, mà phải qua quá nhiều thủ tục hành chính, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản.

Thêm đôi cánh cho TP HCM - Ảnh 1.

Người dân kỳ vọng nghị quyết mới giúp TP HCM phát triển mạnh mẽ hơn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thứ hai, TP HCM không có sự chủ động về ngân sách, tức chưa có tính ổn định ngân sách giữa Trung ương và TP HCM để có những kế hoạch dài hơi. Mà để phát triển bền vững và ổn định thì chính quyền cần biết được ngân sách trong 5-10 năm sẽ có bao nhiêu, được tự chủ chi bao nhiêu… lúc đó mới hoạch định được kế hoạch phát triển và đầu tư.

Thứ ba, cơ chế xã hội hóa chưa được ghi nhận trong Nghị quyết 54 nên chưa thể chủ động huy động nguồn lực phát triển. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tại TP HCM rất năng động nhưng vì chưa có cơ chế nên thành phố chưa thể thực hiện, nhất là các vấn đề liên quan tài sản công, hợp tác đầu tư.

Thứ tư, thành phố cũng chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành một "nguyên tắc tuân thủ" thống nhất. Khi có sự khác nhau giữa nghị quyết và luật, nhiều trường hợp nghị quyết không được ưu tiên áp dụng.

Huy động các nguồn lực, quyết định biên chế

* Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa X mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết dự thảo thay thế Nghị quyết 54 đã cơ bản hoàn thành, sau khi hoàn thiện sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay. Bà thấy gì từ bản dự thảo này?

- Dự thảo nghị quyết này vẫn còn giải quyết những vấn đề riêng lẻ, chưa trao quyền mang tính đột phá để TP HCM là tâm điểm của những ý tưởng đột phá mang tầm vóc quốc gia. Tôi thấy vẫn là những sự trao quyền "nhỏ giọt, thiếu thống nhất" nên thành phố phải xoay xở trong chiếc áo cơ chế chung của cả nước. Vì thế, cần bổ sung quy định cho TP HCM về sự chủ động hoàn toàn trong ngân sách, chủ động trong huy động các nguồn lực xã hội hóa…

Về phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, nếu để phạm vi sang các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp… thì cần có một điều luật làm rõ nguyên tắc giữa quy định trong nghị quyết này và các văn bản của tổ chức chính trị, chính trị xã hội, bởi điều 10 dự thảo nghị quyết chỉ đề cập sự khác nhau giữa văn bản pháp luật với nhau, không đề cập đến các quy định của các tổ chức này.

Còn về tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức thì cần cho phép HĐND TP HCM được quyền quyết định bộ máy chính quyền của TP HCM, nhất là thành lập, giải thể các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Ví dụ, TP HCM cần có một Ban Chuyên trách về cơ chế đặc thù của TP HCM để bảo đảm việc thấu hiểu các quy định một cách thống nhất, có tính tổng quan, liên ngành. Đồng thời, cho phép HĐND thành phố quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp.

Thêm nữa, tại điều 7 liên quan tới quản lý văn hóa xã hội, cần làm rõ nội dung trong điều luật này là nội hàm "văn hóa xã hội" gồm những gì, vì dường như nội dung thể hiện liên quan đến khoa học, công nghệ (khoản 1-4), không liên quan mật thiết đến văn hóa xã hội.

Khoản 5 điều 7 dự thảo nghị quyết cho phép nâng mức xử phạt vi phạm một số hành vi không quá 4 lần quy định hiện hành... TP HCM cần cân nhắc bỏ, bởi điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã cho phép nhưng 10 năm nay HĐND TP HCM không “kích hoạt” thẩm quyền này, điều đó cũng chứng tỏ đây là vấn đề chưa thực sự cấp bách” - TS Thái Thị Tuyết Dung.

Đưa TP Thủ Đức về đúng vai trò được kỳ vọng

TS Thái Thị Tuyết Dung cho rằng các quy định trong điều 9 của Dự thảo về đặc thù TP Thủ Đức vẫn chưa có điểm gì nổi bật, bởi vì những nguyên tắc này đã được quy định trong điều 13, điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi bổ sung 2019). Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định chi tiết về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức.

5-box

Người dân TP Thủ Đức ngồi chờ làm thủ tục hành chính Ảnh: QUỐC ANH

Theo bà Dung, Thủ Đức - đơn vị thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương duy nhất hiện nay, gánh vác không chỉ trọng trách là một đô thị vệ tinh của vùng đô thị TP HCM mà còn là một cực tăng trưởng mạnh mẽ để thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế phía Nam. Tuy vậy, với khung pháp lý hiện nay và dự thảo này, chính quyền TP Thủ Đức vẫn là "cấp huyện", chưa có sự đột phá, thậm chí các thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức kéo dài thời gian hơn so với trước khi sáp nhập.

"Vì vậy, để thành phố thuộc thành phố trở thành một cú hích pháp lý và phát triển đúng với nhiệm vụ, mục tiêu mà khi thành lập đã kỳ vọng thì cần thí điểm những thay đổi lớn dựa trên lý thuyết về tổ chức chính quyền đô thị. Có thể đột phá thí điểm cơ chế bầu trực tiếp người đứng đầu thành phố thuộc thành phố và HĐND thành phố thuộc thành phố được quyền quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh" - bà Thái Thị Tuyết Dung nêu.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo