xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Theo chân xe hợp đồng trá hình (*): Định hình "vòng kim cô"

THU HỒNG

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 được kỳ vọng như "vòng kim cô" đưa hoạt động vận tải hành khách vào khuôn khổ. Trong đó, những lỗ hổng về quản lý xe hợp đồng được bịt chặt

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP HCM, cho rằng để dẹp xe hợp đồng trá hình tiến tới xóa bỏ xe dù, bến cóc tại thành phố thì cần sự phối hợp giữa lực lượng CSGT, chính quyền địa phương và Sở Giao thông Vận tải (GTVT).

Phối hợp + công nghệ = hiệu quả

Đây được ví như "3 chân kiềng", cũng là gọng kìm góp phần khóa lại sự chưa chặt chẽ trong quản lý hiện nay.

Ông Lê Trung Tính phân tích việc cấp phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở GTVT cấp và đơn vị này có quyền rút giấy phép kinh doanh theo quy định nếu doanh nghiệp (DN) vi phạm các điều kiện kinh doanh. Với CSGT, là lực lượng trực tiếp tham gia kiểm tra, họ sẽ phát hiện hợp đồng giữa nhà xe và hành khách có đúng hay mang tính đối phó để có biện pháp xử lý. Riêng chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra bến bãi, an toàn PCCC, pháp lý đất đai của bến bãi... Nếu không đúng thì yêu cầu ngừng hoạt động.

Theo chân xe hợp đồng trá hình (*): Định hình vòng kim cô - Ảnh 1.

Một nhà xe chờ đón khách trên đường Hùng Vương, quận 5 .Ảnh: THU HỒNG

Để "3 chân kiềng" phối hợp tốt, theo ông Tính, TP HCM cần có "nhạc trưởng" là một phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp phụ trách.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP HCM, hơn 5 năm trước, tất cả phương tiện kinh doanh vận tải bắt buộc gắn thiết bị GPS và mới đây gắn thêm camera. Mỗi phương tiện tốn khoảng 3 triệu đồng, hằng tháng phải tốn phí truyền dữ liệu GPS về Tổng cục Đường bộ từ 80.000 - 120.000 đồng/xe, tính ra với 1 triệu ô tô đăng ký kinh doanh thì số tiền DN phải bỏ hàng ngàn tỉ đồng. 

Điều đáng tiếc là dữ liệu GPS chưa được khai thác hiệu quả, việc trích xuất dữ liệu làm cơ sở xử lý vi phạm chậm so với thực tế, nhiều lỗi chưa trích xuất được như lỗi đón trả khách lặp đi lặp lại nhiều lần tại 1 vị trí. 

Do đó, Tổng cục Đường bộ cần sớm nâng cấp phần mềm để khai thác tốt các thông tin từ thiết bị GPS trong quản lý xe hợp đồng, tuyến cố định. "Tôi luôn ủng hộ việc đưa công nghệ vào áp dụng trong lĩnh vực vận tải bởi sẽ hạn chế tác động của con người" - ông Lê Trung Tính nói.

Theo chân xe hợp đồng trá hình (*): Định hình vòng kim cô - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng làm việc với 1 tài xế xe hợp đồng ở quận 1

Một chuyên gia giao thông cho rằng quy định ô tô kinh doanh vận tải phải có thiết bị GPS được xem là giải pháp hữu hiệu để xử lý nạn xe dù, bến cóc. Tuy nhiên, mục tiêu này không đạt do cơ quan quản lý không bố trí đủ nhân lực và thời gian để kiểm soát tất cả phương tiện đang chạy có đúng tuyến hay không. 

Một hạn chế nữa là hạ tầng thiết bị cũng không thể xử lý cùng lúc dữ liệu của hàng trăm ngàn phương tiện truyền về. Từ đó, vị chuyên gia giao thông ủng hộ quan điểm phải nâng cấp hệ thống phần mềm để đạt hiệu quả.

Trám nhiều lỗ hổng

Đại diện Sở GTVT TP HCM thông tin để quản lý xe hợp đồng trá hình tuyến cố định, Sở GTVT có nhiều văn bản kiến nghị đến UBND thành phố đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải để "siết" lại xe hợp đồng trá hình. Sở này cho biết việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 được kỳ vọng giải quyết vấn đề trên.

Trong thời gian chờ phần mềm của Bộ GTVT hoàn thiện, theo Sở GTVT TP HCM, Cục Đường bộ cần yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng và du lịch trước khi vận chuyển phải cung cấp đầy đủ nội dung tối thiểu của hợp đồng và danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh bằng văn bản hoặc email hoặc phần mềm của Sở GTVT.

Và mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam đã lấy ý kiến dự thảo nghị định về sửa đổi bổ sung về quản lý hoạt động vận tải ô tô (sửa đổi Nghị định 10/2020).

Dự thảo nghị định nêu rõ sẽ thu hồi phù hiệu, biển hiệu của xe kinh doanh vận tải khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình mà có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên/ngày (không tính vi phạm tốc độ dưới 5 km/giờ) hoặc có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy trở lên/tháng. Với các trường hợp vi phạm chạy quá tốc độ thì sở GTVT sẽ không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong vòng 30 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh nộp phù hiệu.

Cũng theo dự thảo nghị định, DN vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác tuyến nếu một tháng chạy dưới 70% số chuyến xe đăng ký. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực, DN, hợp tác xã có xe bị thu hồi không được đăng ký khai thác lại trên tuyến bị thu hồi đó. Việc này nhằm hạn chế nhà xe trong bến chạy ra ngoài chạy dù và chỉ giữ vài chuyến hoạt động cầm chừng trong bến.

Song song đó, dự thảo nêu rõ xe du lịch và hợp đồng chỉ được đón khách tại một địa điểm, trả khách tại một địa điểm theo hợp đồng. Không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp hoặc có trên 10 ngày/tháng tại một điểm cố định.

Bên cạnh đó, xe hợp đồng và xe du lịch không được chạy quá 10% số chuyến trùng lặp theo địa giới hành chính cấp xã hoặc cấp huyện trong vòng một tháng. Cơ quan quản lý thông qua dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình của xe để xác định việc có điểm đầu và điểm cuối trùng lặp.

Dự thảo trên còn đề xuất xe hợp đồng và du lịch không được quảng cáo lộ trình hoặc đăng tải một trong số thông tin về hành trình, điểm đầu, điểm cuối, giờ khởi hành, giá vé... 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-10

Không chỉ trông chờ ý thức tài xế

Ông Nguyễn Đăng Tấn Ái, Giám đốc HTX Xe khách liên tỉnh và du lịch Miền Đông, thông tin đơn vị ông quản lý hơn 50 phương tiện nên vấn đề an toàn giao thông khi xe chạy ra đường được đặt lên hàng đầu.

Việc quản lý, giám sát phương tiện đúng và đủ theo các quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô theo Nghị định 10/2020 của Chính phủ cũng như khi xe hoạt động trong bến sẽ chịu sự giám sát chéo của ban quản lý bến. Tuy nhiên, phương tiện chạy ra đường còn phụ thuộc vào ý thức, tay nghề và trách nhiệm của tài xế.

Để tài xế nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như bảo đảm an toàn cho các chuyến xe, ông Nguyễn Đăng Tấn Ái quả quyết ủng hộ việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, trong đó việc nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu GPS để xử lý tài xế vi phạm rất cần thiết.

Cần mở thêm bến bãi

Nhìn nhận thực trạng xe dù, bến cóc gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông nhưng là nhu cầu có thật của người dân nên dẹp chỗ này có thể nảy sinh chỗ khác, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, cho rằng TP HCM nên nghiêm túc thực hiện quy hoạch bến bãi đã đưa ra từ nhiều năm trước.

5-box-cay-xang-quoc-lo13

Cây xăng trên Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức là điểm đón khách của nhiều xe hợp đồng.Ảnh: ANH VŨ

Theo ông, TP HCM đang quản lý gần 9 triệu phương tiện, nếu tính cả xe vãng lai thì gần 10 triệu, trong khi hệ thống bến bãi hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha sau năm 2020. Việc khan hiếm bãi đậu xe là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm cũng như phát sinh các điểm đón, rước khách hay còn gọi là xe dù, bến cóc tràn lan.

"Để hiện thực hóa quy hoạch bến bãi, thành phố nên kêu gọi xã hội hóa, nơi nào cần làm ngầm thì ngầm, nơi nào làm nhiều tầng thì nhiều tầng" - TS Phạm Viết Thuận nêu ý kiến.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo