xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thi nâng ngạch công chức: Mạnh ai nấy chạy

Bài và ảnh: Minh Chiến

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh có dư luận về tiêu cực khi tổ chức thi nâng ngạch công chức. Nhiều ý kiến còn băn khoăn kỳ thi có thực chất hay chỉ là một bước thủ tục để lên chức, lên lương?

Tại hội nghị tổng kết công tác ngành nội vụ năm 2017 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả của các kỳ thi nâng ngạch công chức. Ông nêu thực trạng nhiều công chức có kinh nghiệm, làm việc rất giỏi nhưng khi đi thi lại rớt.

Còn nặng về hình thức

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Đinh Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng thi nâng ngạch công chức rất cần thiết để đánh giá năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý công chức. Tuy nhiên, công tác tổ chức thi còn hình thức, những câu hỏi dành cho ứng viên chưa sát với thực tế, nặng lý thuyết.

"Đề thi viết như hiện nay chưa sát với công việc của công chức. Thi trắc nghiệm cũng vậy, phải gắn với thực tế công việc hằng ngày thì mới đánh giá được năng lực của các ứng viên. Tựu trung, thi phải gắn với yêu cầu công vụ mới thực chất" - GS-TS Đinh Văn Tiến nhìn nhận.

Thi nâng ngạch công chức: Mạnh ai nấy chạy - Ảnh 1.

Công chức làm việc tại một UBND phường ở Hà Nội

Đồng quan điểm, chuyên gia Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, nhấn mạnh các bài thi lý thuyết nâng ngạch công chức chỉ mang tính "học thuộc lòng". "Ai học thuộc bài thì đạt điểm cao chứ không mang tính tình huống, vấn đề hay cách xử lý công việc của công chức. Trong khi đó, những điều này mới quan trọng đối với cán bộ làm việc ở các cơ quan hành chính" - ông Sơn nói. Bởi vậy, theo ông Sơn, tình trạng nhiều công chức làm việc ở cơ quan thì rất tốt nhưng đi thi lại bị đánh rớt mới xảy ra.

Ông Diệp Văn Sơn cho biết trước đây, kỳ thi nâng ngạch công chức có phần vấn đáp được đánh giá rất cao. Qua một vài câu vấn đáp, cách ứng xử trong tình huống cụ thể, người chấm thi có thể phần nào đánh giá được năng lực công chức như thế nào, có linh hoạt khi làm việc ở cơ sở hay không...

Không tránh khỏi tiêu cực

Bên cạnh chất lượng thi nâng ngạch công chức, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình còn nhấn mạnh có dư luận về tiêu cực khi tổ chức thi. Nhiều ý kiến cũng băn khoăn kỳ thi có thực chất hay chỉ là một bước thủ tục để lên chức, lên lương?

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho biết hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương phụ trách thi nâng ngạch công chức khối Đảng và đoàn thể, còn khối hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì. Các kỳ thi nâng ngạch công chức hiện nay đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng thi cử và không tránh khỏi tiêu cực. Có tình trạng "chạy chọt", "mách nước" trước khi thi nâng ngạch công chức.

Ông Diệp Văn Sơn thẳng thắn: "Tôi thấy một số trường hợp trình độ ngoại ngữ "nửa chữ bẻ đôi" cũng không biết, thế mà vẫn vượt qua kỳ thi nâng ngạch công chức, rõ ràng là có tiêu cực. Cứ đến các kỳ thi là mạnh ai người nấy chạy".

Kiến nghị để kỳ thi nâng ngạch công chức thực chất hơn, GS-TS Đinh Văn Tiến cho rằng việc tổ chức thi, nội dung và hình thức thi phải được cải tiến. Đặc biệt, nội dung thi phải gắn nhiều hơn nữa với nội dung công việc, yêu cầu công vụ và trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, có thể gắn với việc đánh giá năng lực, hiệu quả công việc để làm một tiêu chí nâng ngạch công chức.

Sau khi yêu cầu Bộ Nội vụ đánh giá lại hiệu quả các kỳ thi nâng ngạch công chức, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gợi mở: Có thể xét nâng ngạch công chức, viên chức theo những tiêu chí rõ ràng, công khai, chính xác về trình độ, năng lực, đạo đức, kinh nghiệm, thâm niên công tác. Phó Thủ tướng cho biết đã trao đổi vấn đề này với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhiều lần và bộ trưởng cũng có những ý kiến tương tự.

Sát hạch định kỳ và đột xuất

Chuyên gia Diệp Văn Sơn cho biết hiện nay, cứ đến dịp cuối năm, các cơ quan, đơn vị lại bước vào đợt bình xét thi đua. Các cá nhân tự viết kiểm điểm, nhận xét về một năm công tác, sau đó đồng nghiệp góp ý, bình bầu, xếp loại.

"Việc bình xét thi đua này có đánh giá đúng năng lực, đóng góp của công chức không hay vẫn còn nặng hình thức? Cần tổ chức sát hạch công chức định kỳ và đột xuất để đánh giá thực chất hơn. Mục đích của sát hạch là để đưa ra được tiêu chuẩn bình quân khách quan cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm, thưởng phạt, thù lao, lương bổng của công chức và là đòn bẩy nâng cao hiệu suất công tác trong các cơ quan nhà nước" - ông Sơn đề xuất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo