Gần nửa thế kỷ nay, SGK là độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam, từ biên soạn đến in ấn, phát hành. Từ trước đến giờ, mọi người có thể phàn nàn về chất lượng hay nội dung, không ai phàn nàn về giá SGK.
Giờ đây, đùng một cái, chúng ta đang đứng trước một thay đổi hoàn toàn ngược lại: chủ trương "một chương trình - nhiều SGK" đặt NXB Giáo dục Việt Nam trong vị trí không còn độc quyền. Sẽ có nhiều nhóm tác giả khác nhau biên soạn SGK và đến nay đã có 8 NXB được cấp phép xuất bản SGK. Không thấy ai nói gì đến việc ngân sách trợ giá cho SGK. Như thế, phải chăng SGK sẽ hoàn toàn được thị trường hóa?
Dù Nghị quyết 88 của Quốc hội đã khẳng định chủ trương "một chương trình - nhiều bộ SGK", gần đây bắt đầu có một số ý kiến bàn lùi, cho rằng thả nổi cho tình trạng "trăm hoa đua nở" có thể dẫn tới không kiểm soát được chất lượng, dù rằng quy trình làm SGK đã nêu rõ: Chỉ SGK nào qua hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được phê duyệt thì mới được lưu hành.
Xét về mặt biên soạn nội dung, SGK không hoàn toàn được thả nổi vào tay thị trường, tức không phải ai muốn soạn gì thì soạn. Cơ quan quản lý nhà nước vẫn nắm đằng chuôi thông qua thẩm định và phê duyệt. Tuy vậy, điều này cũng sẽ diễn ra dưới con mắt theo dõi ngặt nghèo của công chúng. Vì thế, vị trí một mình một chợ trước đây của NXB Giáo dục Việt Nam không còn nữa. Đây là điều tốt vì thêm một lựa chọn là thêm cơ hội để có hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt hơn. Trong tư thế cạnh tranh, NXB Giáo dục Việt Nam cũng sẽ nỗ lực tìm những tác giả tốt nhất.
Khác với việc biên soạn, việc phát hành SGK là công đoạn tạo ra lợi nhuận cho các NXB. Lợi nhuận hoàn toàn tùy thuộc việc bán được bao nhiêu bản, tức là phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Nếu ngân sách nhà nước không còn trợ giá cho việc in và phát hành SGK thì công đoạn này sẽ được thị trường hóa hoàn toàn.
Đã là thị trường thì người bán có đủ mọi phương thức để lôi kéo người mua. Trong một thị trường hàng hóa thông thường, người mua sẽ quyết định mua thứ hàng hóa nào và chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình, hay nhờ dở chịu. Nhưng trong thị trường SGK, người sử dụng thực sự (giáo viên và học sinh) không phải là người ra quyết định dùng loại sách nào. Quyết định đó được thực hiện ở cấp trường và có thể là ở cấp tỉnh/thành phố. Độc quyền (bán sách) cấp quốc gia như trước đây rất có thể biến thành độc quyền cấp tỉnh!
Đã là thị trường thì lợi nhuận được coi như mục tiêu hàng đầu. Tất cả những chi phí cho việc giành giật thị trường và cho mục tiêu lợi nhuận sẽ được cộng vào giá sách. Một kịch bản cạnh tranh như thế e rằng chẳng có ích lợi gì cho người học.
Tuy nhiên, chủ trương "một chương trình - nhiều bộ SGK" vẫn là một bước tiến lớn về tư duy cần được bảo vệ. Nó tạo điều kiện cho những cách tiếp cận khác nhau, tăng cơ hội có sách tốt. Thay cho bao cấp về học phí bậc THCS, nếu nhà nước dùng nguồn ngân sách này để bao cấp SGK cho toàn bộ học sinh phổ thông thì có lẽ sẽ hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của việc kinh doanh SGK.
Bình luận (0)