Ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, Đà Lạt (Lâm Đồng) nằm trên cao nguyên Lâm Viên được người Pháp quy hoạch từ đầu thế kỷ XX làm gì có khái niệm về ngập nặng. Từ chỗ là thành phố có khí hậu mát mẻ quanh năm, cả ngày bảng lảng sương mờ, mấy năm gần đây Đà Lạt có thêm một mùa nữa, là mùa ngập! Năm nay, qua mấy tháng mưa kể từ tháng 5 trở lại đây, ở "thành phố tình yêu" này, người dân đô thị đã phải thường xuyên xắn quần lội bì bõm. Nước từ suối Cam Ly dâng lên gây ngập, nước từ hồ Xuân Hương đầy tràn ra, đổ xuống các con suối và nhà dân quanh đó ầm ào và hung tợn. Có còn mấy "ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi" nữa!
Đắk Nông cũng thế, nằm trọn trên cao nguyên M’Nông, với độ cao trung bình 600-700 m so với mực nước biển song vẫn bị ngập sâu. Đắk Lắk - tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên - đã ngập mấy năm nay rồi, dù ở độ cao trung bình 400-800 m so với mực nước biển. Không riêng TP Buôn Ma Thuột, nhiều huyện biên giới của tỉnh này dù có hệ thống sông suối chằng chịt nhưng vẫn chìm trong nước sau mấy trận mưa có vũ lượng trên 360 mm mấy ngày qua.
Vì sao thiên nhiên phẫn nộ như vậy? Không khó tìm câu trả lời. Đà Lạt được người Pháp quy hoạch cho khoảng 120.000 cư dân sinh sống nhưng bây giờ đã tới tầm 230.000 người rồi. Đó là chưa nói thành phố này ngày càng bị bê-tông hóa tràn lan trong khi mảng xanh mất đi nhiều. Khí hậu nóng lên và thảm thực vật, diện tích mặt đất cùng hệ thống tiêu nước bị che lấp đã làm giảm chỗ trữ nước, thế là ngập, ngập sâu và lâu. Thử hình dung trong tương lai gần Đà Lạt sẽ ngập nặng cỡ nào sau khi tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm.
Nguyên nhân rất lớn nữa bên cạnh lý do bê-tông hóa ở Tây Nguyên chính là mất rừng. Rừng bị chặt phá và lấn chiếm nhiều quá, trong khi diện tích rừng trồng mới chưa nhiều tương ứng. Đang có gần 280.000 ha rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và khu vực này vẫn tiếp tục là điểm nóng phá rừng của cả nước.
Khi một diện tích lớn cây rừng trở thành đất trống đồi trọc thì làm sao giữ được nước. Trời trút bao nhiêu nước xuống núi rừng thì bấy nhiêu nước trút cả về xuôi. Con người cưỡng ép quy luật tự nhiên và tàn phá thiên nhiên ắt sẽ chịu phản ứng ngược. Đó hẳn là nhân tai chứ nào phải thiên tai, đích thị quả báo nhãn tiền.
"Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030" đang được các tỉnh Tây Nguyên triển khai có nhiệm vụ mỗi năm trồng mới gần 83.000 ha rừng, để đến năm 2030 diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,5%. Tổng vốn chi thực hiện đề án lên tới 28.554 tỉ đồng.
Đừng để tốn rất nhiều tiền như thế mà vẫn mất rừng, vẫn ngập và ngập ngày càng nặng!
Bình luận (0)