xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiên nhiên khiến ta tỉnh thức

Trương Điện Thắng. ảnh:Đông Giang

Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nước thuộc Tiểu vùng Mê Kông (GMS) trong đó có Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) đang chia sẻ một di sản thiên nhiên vô cùng quý giá với sự đa dạng sinh học phong phú cùng tiềm năng về nguồn nước, điện năng to lớn. Đó cũng là lá phổi lưu trữ carbon chống lại sự nóng dần lên của trái đất

Tuy vậy, rừng trong khu vực GMS đang biến đổi nhanh chóng do các áp lực phát triển kinh tế và việc lạm dụng trong sử dụng đất…

Áp lực rừng phải chịu rất lớn!

Tổ chức Môi trường thế giới và ADB đánh giá: Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2000, toàn vùng đã mất đi 68 km2 rừng mỗi năm do việc khai thác gỗ không được kiểm soát, việc phá rừng để trồng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, tình trạng săn bắt thú rừng bừa bãi… Đó là chưa nói đến thủy điện!

Thiên nhiên khiến ta tỉnh thức - Ảnh 1.

Phần diện tích rừng còn lại của toàn vùng đang ở trong tình trạng suy thoái trên diện rộng. Sự suy kiệt của rừng dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng cho môi trường sống như đất bị xói mòn, chất lượng các nguồn nước kém đi và tình trạng biến đổi khí hậu đang bị đe dọa…

Để cứu vãn tình thế, cần phải có những biện pháp mang tính khu vực. Từ năm 2006, Sáng kiến Bảo tồn đa dạng sinh học (BCI) đã được thành lập và triển khai tại 6 khu vực trên lãnh thổ 5 quốc gia thuộc GMS là Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam sau đây - (theo Steven Griffith, Forest for our future, GMS và ADB):

Khu vực Xishuangbana thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc): Đây được coi là khu vực có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới hiện nay. Tại đây người ta đã xây dựng một đường cao tốc nối Trung Quốc đi các nước Lào, Myanmar và Thái Lan và việc mở rộng diện tích trồng cao su của các bộ tộc người Thái, Lào đã làm chia cắt những cánh rừng, khiến cho môi trường sống của nhiều loài thú hoang dã trở nên rất khó khăn.

Tại khu vực tỉnh Champasak (Lào): Trong lúc BCI đang tổ chức đánh giá sự đa dạng sinh học và tìm các biện pháp nối lại các cánh rừng bị phân nhỏ thì vẫn còn những xưởng cưa gỗ bất hợp pháp diễn ra tại nơi không xa Khu Bảo tồn quốc gia Bannaboong. Rừng bị chặt phá, chuyển đổi đất rừng để trồng cao su và cây cọ dầu đã làm cho chính các cư dân trong khu vực lo lắng, bởi từ lâu rừng là nơi họ thu hái các loại dược thảo, mây và hạt giống để phục vụ sinh kế đang cạn dần.

Tại miền Trung Việt Nam: Hành lang BCI được thiết lập ở dãy núi Trường Sơn từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Đây là vùng có nhiều loài thú quý hiếm như sao la được phát hiện năm 1992, voọc chà vá chân xám… Tuy nhiên, gần đây nhiều dự án nhà máy thủy điện, các tuyến đường công vụ vào các nhà máy này và vận chuyển gỗ, tình trạng khai thác vàng sa khoáng bằng hóa chất… cũng đã hủy hoại dữ dội môi trường sinh thái, làm cạn các dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước trên các nguồn sông.

Việt Nam đang xây dựng luật về đa dạng sinh học và tổ chức các hành lang bảo vệ sự đa dạng đó với sự hỗ trợ của BCI nhưng hiệu quả vẫn chưa cao bởi sự quản lý lỏng lẻo… Khu Bảo tồn đa dạng sinh học Sông Thanh ở phía Tây tỉnh Quảng Nam là một ví dụ với nhiều vụ khai thác gỗ lậu hoặc đào đãi vàng trái phép vẫn còn diễn ra.

Tại Thái Lan: Khu vực rộng 75 km2 dọc biên giới Myanmar là hành lang bảo vệ đa dạng sinh học thuộc dãy núi Tenaserim. Tại đây có nhiều loại động vật quý như voi, hổ, hoẵng và các loài chim quý. Các hoạt động du lịch đã được tổ chức và hoạt động có hiệu quả, trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Các dân tộc thiểu số người Thái và người dân tộc Kare thuộc 20 làng ở đây đã giảm được đói nghèo và tham gia có hiệu quả vào việc bảo vệ rừng, đồng thời nhờ có sự hợp tác từ phía Hoàng gia Thái Lan.

Tại Campuchia: Khu Bảo tồn đa dạng sinh học đã được xây dựng trên diện tích 1 triệu ha tại khu vực Kademon thuộc Khu Bảo tồn rừng quốc gia Botum Sakor. Đây là khu rừng nguyên sinh rộng với 59 loài thú quý hiếm. Con đường 49 ngang qua đây đang được xây dựng thành đường cao tốc nối với Thái Lan đã tạo ra áp lực về kinh doanh đất đai, phá rừng rất lớn của nhiều thành phần dân cư, trong đó có cả áp lực về di dân.

Những dự án của BCI chỉ là bước khởi đầu. Áp lực đối với rừng và sự đa dạng sinh học trên toàn bộ Tiểu vùng GMS còn rất lớn - các chuyên gia nhận định.

Chúng ta đã học được gì?

Theo tài liệu của Sở Kiểm lâm Đông Dương (chính quyền thực dân Pháp), năm 1943, diện tích rừng ở nước ta có khoảng 13,5 triệu ha. Trước đó, vào năm 1930, diện tích rừng cả nước là 14,2 triệu ha. Như vậy, sau 13 năm, cả nước đã mất đi 700.000 ha rừng! Bình quân mỗi năm mất hơn 50.000 ha (theo Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp - CRNS).

Năm 1980, theo thống kê của ngành lâm nghiệp, cả nước chỉ còn lại 9,9 triệu ha. Nghĩa là đã mất thêm 3,6 triệu ha rừng trong chỉ 37 năm, bình quân 100.000 ha mỗi năm! So sánh 2 con số, ta thấy càng về sau, diện tích rừng đã mất tăng lên gấp đôi thời gian trước đó.

Con số diện tích rừng bị tàn phá càng về sau càng trầm trọng hơn mà theo các nhà phân tích là do 3 nguyên nhân: chiến tranh, nạn đốt rừng làm rẫy và phá rừng bừa bãi để lấy gỗ và lấy đất trồng các loại cây công nghiệp (do tình trạng di dân ồ ạt lên Tây Nguyên chẳng hạn). Có thể nói thêm về nguyên nhân phá rừng để xây dựng các công trình thủy điện, hồ chứa mà không trồng trả lại diện tích bị mất như cam kết, trong hơn 20 năm qua.

Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng gần đây kèm với nhiều biện pháp bảo vệ rừng, như giao đất, giao rừng cho dân quản lý, đóng của rừng…, theo các báo cáo đã mang lại một số kết quả(!). Cả nước tuy đã nâng tổng diện tích rừng lên 10,88 triệu ha, trong đó rừng trồng lên đến gần 1,4 triệu ha, song rừng trồng và rừng kinh doanh không thể thay thế được rừng tự nhiên!

Ai cũng biết chính độ che phủ rừng tự nhiên bị suy giảm là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt và sạt lở đất đai triền miên. Tần suất lũ lụt ngày càng cao hơn, lưu tốc và sức công phá lớn hơn; kể cả hiện tượng lũ ống, lũ quét rất nguy hiểm. Thiệt hại về người và của càng trầm trọng hơn đã tạo ra một chuỗi hệ quả tất yếu mà chúng ta đang gánh chịu. Rừng trồng và rừng khai thác theo chu kỳ, cho dù trồng cả chục triệu ha đi nữa, cũng không thể thay thế cho rừng tự nhiên trong việc bảo vệ nguồn nước và giữ độ màu mỡ cho đất rừng.

Sự ứng xử không đúng mực với thiên nhiên vậy là đã rõ. Không chỉ những trận lũ, lở đất, ngập lụt xảy ra ở Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh miền Bắc sau trận bão số 10 năm 2017 mà trước đó, các trận lụt lớn từ những năm 1980, 1999, 2000 rồi liên tiếp 4 trận lũ nối đuôi nhau trong tháng 10 và 11 năm 2007 cùng những trận lụt, lũ quét khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung trong năm 2008 với nhiều thiệt hại về người và của - kể cả cơ sở hạ tầng mới được xây dựng - đã chứng minh thêm điều đó và thật sự là một sự cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta.

Tồi tệ hơn, những vụ sạt lở núi năm 2020 ở Rào Trăng, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đến Nam Trà My, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã cướp đi hàng chục sinh mạng, xóa sạch nhiều ngôi làng đã trở thành đỉnh điểm của tai họa.

Tại Quảng Nam, chỉ riêng trên hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia đã có một hệ thống thủy điện bậc thang đồ sộ, cùng với tình trạng khai thác vàng trái phép trên các sông suối và việc xâm hại rừng trầm kha tại các khu bảo tồn thiên nhiên không chỉ khiến dư luận bất bình mà còn để lại những hậu quả lâu dài cho môi trường sinh thái ở hạ du.

Kết quả nghiên cứu thực địa của các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Huế cho thấy hiện tượng xói lở chỉ trong cự ly 36 km vùng hạ lưu Thu Bồn trong thời gian qua là hết sức trầm trọng, trong đó có nhiều nơi đã mất đi 30-40 m đất trồng trọt dọc các triền sông. Hàng trăm nhà cửa dọc các bờ sông cũng chung số phận. Riêng việc dịch chuyển về phía Nam đến 200 m và bồi lấp cửa sông Cửa Đại cũng đã để lại nhiều hậu quả lâu dài về kinh tế, dân sinh lẫn bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An và Khu Sinh quyển thiên nhiên hạ lưu Thu Bồn...

Bờ biển Cửa Đại và mới đây là bãi biển An Bàng đã tan tác, việc chống xói lở đã lên tới chi phí ngàn tỉ đồng vẫn không mang lại hiệu quả. Đây lại là một bằng chứng nữa cho thấy môi trường sinh thái đang báo động đỏ sau mỗi mùa mưa lũ.

Nghĩ cho cùng, với tần suất và sức công phá tăng lên của lũ lụt hằng năm, việc lở sông, lở núi là hệ quả tất yếu. Và căn nguyên sâu xa chính là nằm ở thái độ ứng xử với thiên nhiên rất tắc trách lâu nay của con người. Bài học từ thiên nhiên chính là chúng ta cần phải giữ cho được thế cân bằng và thích ứng với các quy luật của tự nhiên để phát triển. Nếu không, mọi sự tốn kém và mất mát về con người do thiên tai sẽ còn tiếp tục. Những tổn thất không thể bù đắp ấy như một nhát dao cứa vào da thịt đất Mẹ cứ mỗi khi mùa mưa lũ tràn về!

Và… "Xã hội - rừng"

Nhà lâm sinh Hoàng Đình Bá - người nhiều năm lăn lộn núi rừng Khu 5 để chuẩn bị kế hoạch phát triển rừng sau chiến tranh và đau đáu với sự tồn vong của núi rừng Sơn Chà - từng có một lý thuyết mang tên "Xã hội - rừng". Theo ông Bá, muốn giữ rừng phải giải quyết những vấn đề văn hóa - xã hội của cư dân gắn bó với nó, để họ sống được với rừng mà không xâm hại thiên nhiên.

Thì ra, lý thuyết "Rừng xanh cho tương lai" mà tôi mô tả vắn tắt trên đây cũng không khác gì lý thuyết của ông Bá! Và họ đã thành công ở Thái Lan và Champasak mà không thành công ở nơi khác trong 5 khu vực được nghiên cứu.

"Ăn rừng! Người Tây Nguyên ăn rừng, xin thức ăn cho sự sống của mình từ rừng, cũng như chúng ta nói chúng ta bú sữa mẹ mà lớn lên thành người. Tây Nguyên không còn rừng thì rồi sẽ ra sao?". Nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas gắn bó với vùng cao Việt Nam đến 50 năm và viết "Ăn rừng đá thần Gôo" cũng có chung những suy ngẫm với cụ Hoàng Đình Bá và các tác giả dự án "Rừng cho tương lai". Nhưng ý kiến của ông ngoài những tác phẩm mang đậm chất văn trong nghiên cứu dân tộc học khiến ta cần phải nhìn lại những gì đã từng làm cho miền núi mấy mươi năm sau hòa bình. Nhân dịp trưng bày các hiện vật của ông tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Georges Condominas đã nói rất rõ quan điểm của mình với báo giới: "Người Tây Nguyên luôn sống hòa mình với thiên nhiên. Họ có những giá trị văn hóa không giống người Kinh. Chẳng hạn, họ không có thói quen tích lũy của cải... Vì thế, điều nguy hại nhất là việc áp đặt chủ quan giá trị của một cộng đồng này lên một cộng đồng khác; hoặc đánh giá những giá trị của cộng đồng khác bằng con mắt của cộng đồng mình. Với việc bảo tồn, theo tôi, quan trọng nhất là bảo tồn những giá trị văn hóa có sẵn. Hãy tôn trọng những gì đã có chứ không phải "gia công" lại để cho nó đẹp hơn nhưng trên thực tế, lại làm biến dạng nó".

Bảo vệ đa dạng sinh học nguồn nước và môi trường sinh thái từ bảo vệ rừng, bên cạnh các nhà nghiên cứu, sự tài trợ quốc tế, vấn đề còn lại và cốt lõi chính là vai trò của nhà cầm quyền sở tại với một hệ thống pháp luật nhân văn và đủ nghiêm minh. Đó cũng là bài học nữa để cùng suy ngẫm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo